Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết trong sản xuất

Cập nhật ngày: 07/05/2014 06:14:46

Trong ngành nông nghiệp, việc duy trì cách thức sản xuất truyền thống theo nông hộ nhỏ lẻ, manh mún đã không còn phù hợp. Trong quá trình tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, đặt nông nghiệp vào đúng vị thế của nó thì quá trình liên kết bước đầu ở một số địa phương đã chứng minh liên kết trong sản xuất là cách hiệu quả để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.


Liên kết sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế
cao cho nông dân

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta bước đầu có những chuyển biến tích cực, từ nền sản xuất tự cung, tự cấp, chuyển dần sản xuất theo hướng tập trung. Nhờ đường lối, chính sách đổi mới, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những phương thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như: quýt hồng, quýt đường Lai Vung; xoài Cao Lãnh... Ngoài ra, phải kể đến các mô hình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đó là những mô hình đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được xem là xu thế phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Liên kết giữa 4 nhà trong sản xuất đã làm thay đổi nhận thức của nông dân, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập trên một diện tích canh tác. Trong quá trình sản xuất, các mối liên kết (theo chiều dọc, chiều ngang; liên kết trực tiếp, gián tiếp...) đã được hình thành và phát triển.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội làm vườn huyện Lai Vung, việc liên kết là một mắt xích giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, trong đó nhà doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng ngày càng phát triển và trở thành phổ biến đối với một số loại cây trồng, đáp ứng được các yếu tố đầu vào của sản xuất (vốn, giống, vật tư, đất đai, lao động...) và đầu ra của sản phẩm (mua bán nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm); từng bước tạo ra mối quan hệ gắn bó, ổn định giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ông Lưu Văn Tín - Giám đốc Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung cho biết: “Liên kết trong sản xuất, tuy bước đầu đạt kết quả khả quan, nhưng nhận thức của người nông dân trong việc liên kết cùng doanh nghiệp ở nhiều nơi, nhiều thời điểm vẫn còn hạn chế. Ví dụ, trong định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, ngành Nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, trong đó có việc phải thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất trên cây ăn trái nhưng hầu hết nông dân đều không đáp ứng yêu cầu”.

Theo nhiều nông dân canh tác vườn cây ăn trái tại huyện Lai Vung và TP.Cao Lãnh thì việc liên kết trong sản xuất hiện nay vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đã có những mô hình tăng lợi tức cho người nông dân, nhưng thực chất nhiều doanh nghiệp không mặn mà với cách làm này, do nông nghiệp vốn là ngành chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết, dịch hại, mùa vụ, trong khi thời gian đầu tư dài, rủi ro cao. Thay vì liên kết để thu mua nông sản trực tiếp từ người nông dân thì nhiều doanh nghiệp lại duy trì kết nối với hệ thống thương lái. Thêm vào đó, một trong những khó khăn lớn hiện nay là quy hoạch canh tác của nhiều địa phương chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa và tiêu thụ nông sản có kết quả. Theo ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp: “Việc thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất, nhà nước vừa đóng vai trò người hoạch định vừa đóng vai trò trọng tài với việc nhanh chóng ra đời các văn bản pháp lý, chính sách ưu đãi... quy định ràng buộc rõ ràng, cụ thể tại các hợp đồng liên kết trong từng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cũng cần lựa chọn từng mặt hàng nông sản chiến lược để có lộ trình phát triển các mô hình liên kết phù hợp và giải quyết các phát sinh nếu có. Về phía người nông dân, điều cần nhất là chuyển từ vị trí thụ động, yếu thế trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mình làm ra thành đối trọng ngang hàng, thật sự là người làm chủ hàng hóa, cũng như cần quan tâm hơn đến việc tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn