Kỳ vọng vào sự hợp tác với Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 02/05/2014 05:34:02
“Chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân tỉnh Đồng Tháp rất vui mừng khi doanh nghiệp Nhật Bản đến tham quan tại địa phương, hy vọng đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Đồng Tháp tiếp cận, hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản trên các lĩnh vực thế mạnh của 2 bên. Song song đó, UBND tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự hợp tác này” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan chia sẻ trong buổi tiếp, giao lưu với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản...
Sản phẩm xoài Cao Lãnh thu hút nhiều doanh nghiệp
Nhật Bản đến tham quan tìm hiểu
Để đoàn doanh nghiệp Nhật Bản hiểu sâu hơn về những thế mạnh địa phương, dịp này tỉnh đã đưa đoàn đến tham quan những mô hình, sản phẩm lợi thế của tỉnh như chế biến cá tra, sản xuất gạo, vườn cây ăn trái, đặc biệt là xoài Cao Lãnh. Đồng thời, chính quyền địa phương thông tin với đoàn hướng đi mới của tỉnh hiện nay là tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương theo hướng công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Đây là một đề án lớn cần sự hợp tác với những đối tác quy mô, có kinh nghiệm. Trước những đòi hỏi đó, tỉnh xác định Nhật Bản là đối tác cần tìm đến, bởi những thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm tổ chức sản xuất công nghiệp của nước bạn.
Nhằm tạo sự hợp tác lâu dài với Nhật Bản, UBND tỉnh đang xây dựng chương trình quy hoạch khu công nghiệp dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó tập trung vào cải tạo giống, bảo quản sau thu hoạch, máy móc trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, đồ hộp, chiết xuất dược liệu, hàng tiêu dùng...
Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản thông tin thêm với doanh nghiệp Nhật Bản về vị trí địa lý của Đồng Tháp nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh là sự vươn lên mạnh mẽ của địa phương trong thời gian qua, bằng chứng là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn nằm trong tốp đầu. Đồng Tháp là tỉnh tiên phong trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và luôn có những chính sách khuyến khích sự đầu tư hợp tác từ doanh nghiệp nhằm góp phần vào sự thay đổi nông nghiệp tỉnh nhà.
Với những tiềm năng lớn của tỉnh, cộng với công nghệ cao, nguồn vốn, kinh nghiệm từ phía Nhật Bản sẽ giúp sản xuất nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, củng cố mối quan hệ chiến lược giữa 2 bên. Và ông Hưng mong rằng, đoàn doanh nghiệp Nhật sẽ giới thiệu với các đối tác khác chưa có dịp đến Đồng Tháp để cùng nhau khám phá những tiềm năng của Đồng Tháp.
Trước đó, UBND tỉnh cũng có buổi tiếp xúc và làm việc với ông Đoàn Xuân Hưng, ông rất kì vọng sản phẩm thế mạnh của địa phương là xoài Cao Lãnh có thể xuất sang thị trường Nhật Bản, bởi nó mang nhiều yếu tố từ chất lượng đến an toàn so với sản phẩm cùng loại. Tuy nhiên, để góp mặt bền vững vào thị trường Nhật, tỉnh cần phải tính đến việc mời gọi các đối tác Nhật Bản vào đầu tư từ khâu trồng trọt đến thu hoạch và tiếp thị tại thị trường Nhật Bản.
Chia sẻ về chuyến đi khảo sát đối với các tỉnh ĐBSCL, ngài Kohei Watanabe - Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản nhận định: “Trong chuyến khảo sát ĐBSCL, chúng tôi thấy nổi bật là sản xuất nông nghiệp như lúa, thủy sản, cây ăn trái. Điều này làm chúng tôi suy nghĩ đến việc tiêu thụ những nguồn nguyên liệu tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng cao”.
Riêng đối với sự hợp tác về tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, phía Nhật Bản có thể hợp tác với tỉnh trong 3 lĩnh vực: cải tạo giống cây trồng, cơ giới hóa nâng cao năng suất và khâu bảo quản lưu thông.
Theo đó, ngài Kohei Watanabe cho rằng, đây chỉ là bước sơ khởi cho việc hợp tác, sẽ còn rất nhiều điều mà 2 bên cần trao đổi để tiến tới việc hợp tác, đầu tư bền vững.
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hoan kỳ vọng: “Dù là lần đầu tiên doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm và làm việc với tỉnh, nhưng hy vọng với những tiềm năng của địa phương sẽ mang lại ấn tượng với đoàn và mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 2 bên trong tương lai gần...”.
K.D