Hiệu quả từ những mô hình khí sinh học

Cập nhật ngày: 05/05/2014 03:34:00

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ khí sinh học (Biogas) trong chăn nuôi nên nhiều nông hộ đã giải quyết một cách hiệu quả và triệt để bài toán ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, mô hình này còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội thiết thực cho cộng đồng và giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được các khoản chi tiêu cho sinh hoạt.


Sử dụng khí sinh học giúp nông hộ tiết kiệm được nhiều khoản
chi tiêu cho gia đình

Bên cạnh những lợi ích không nhỏ mà việc chăn nuôi mang lại thì vẫn còn nhiều khó khăn mà người chăn nuôi cần phải giải quyết như: giá thức ăn ngày càng tăng cao, tình hình dịch bệnh diễn ra khá phức tạp, xảy ra thường xuyên và luôn tiềm ẩn những nguy cơ về bùng phát dịch bệnh... Nhưng vấn đề nan giải nhất trong chăn nuôi chính là giải quyết chất thải và phân từ gia súc.

Những năm qua, mô hình làm Biogas theo dự án hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan thông qua chương trình khuyến nông đã góp phần quan trọng giảm thiểu nguồn ô nhiễm phát sinh từ chăn nuôi của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những hộ chăn nuôi, đặc biệt là nuôi theo quy mô hộ gia đình tại Đồng Tháp. Thông qua mỗi công trình, các hộ chăn nuôi sẽ được hướng dẫn kỹ thuật xây lắp, vận hành, làm vệ sinh cho bể... và được hỗ trợ kinh phí 2,4 triệu đồng/bể.

Năm 2014, dự kiến dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng 100 công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh, những hộ có nhu cầu xây dựng và sử dụng hầm Biogas có thể liên hệ trực tiếp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư ở địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kinh phí.

Sử dụng công nghệ Biogas là giải pháp hữu hiệu cho phép kết hợp hài hòa giữa cung cấp năng lượng với giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải của chăn nuôi gây ra. Anh Nguyễn Trí Tuệ - Trưởng Phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phân tích: chỉ cần một gia đình nuôi vài con heo, không vệ sinh chuồng trại, xử lý phân nước thải không hợp lý thì tất cả các hộ sống xung quanh phải gánh chịu hậu quả từ nguồn nước đến không khí hôi thối, ruồi bọ phát triển mạnh, tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch. Sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải chăn nuôi không những cải thiện đáng kể ô nhiễm môi trường mà còn cung cấp một nguồn năng lượng sạch, phục vụ việc đun nấu, thắp sáng. Ngoài ra, phụ phẩm sau khi lên men còn có thể dùng để bón cho nhiều loại cây trồng rất hiệu quả.

Qua quá trình sử dụng, hầu hết người dân đều nhận thấy rằng, mô hình Biogas rất hiệu quả và phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chị Phan Thị Hằng ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP. Cao Lãnh chia sẻ: “Từ ngày có hầm Biogas, sinh hoạt của gia đình tiện lợi rất nhiều. Điều tôi cảm thấy vui nhất là không e ngại với hàng xóm bởi những mùi khó chịu từ đàn heo nhà mình. Và tôi càng thấy hài lòng hơn khi mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được vài triệu đồng cho tiền mua gas công nghiệp. Dùng khí sinh học vừa tiết kiệm được nhiều tiền lại khá an toàn khi sử dụng”.

Hiện nay vẫn còn nhiều nông hộ quan niệm chăn nuôi gia súc với số lượng ít thì không thể xây dựng hầm Biogas, nhưng theo chị Đặng Thị Thanh Thúy, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh: “Chỉ cần nuôi từ 5-7 con heo sẽ có đủ lượng chất thải cần thiết để xây dựng 1 công trình khí sinh học Biogas với thể tích nhỏ. Thời gian xây dựng cơ bản cho mỗi hầm khí từ 15-20 ngày, sau 1 tháng là có thể đưa vào sử dụng. Hệ thống hầm gồm 3 bể: nạp, phân giải và điều áp. Ngoài ra, còn có thể làm thêm bể hút để chứa lượng chất thải đã được phân giải, dùng tưới tiêu cho vườn cây ăn quả thay cho phân hóa học”.

Trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi được xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả góp phần giải quyết vấn đề khó khăn của các hộ chăn nuôi trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm từ chất thải và phân gia súc. Không những vậy, công trình khí sinh học còn tạo ra nguồn năng lượng sạch và an toàn góp phần vào việc giảm giá thành sản xuất, ngày càng hiện đại hóa việc sản xuất. Hi vọng với những lợi ích thiết thực mà công trình khí sinh học mang lại, người chăn nuôi sẽ hưởng ứng tham gia mô hình một cách tích cực, nhằm nhân rộng mô hình ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn