“Bóng xế” nghề gạch ngói thủ công
Cập nhật ngày: 09/05/2014 05:17:02
Châu Thành là địa phương tập trung số lượng cơ sở sản xuất gạch ngói lớn nhất tỉnh, với khoảng 220 miệng lò của 61 cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây do ảnh hưởng từ tình hình “đóng băng” của thị trường bất động sản nên nghề sản xuất gạch ngói rơi vào tình trạng bế tắc. Hiện tại, phần lớn các cơ sở sản xuất đều đóng cửa, chỉ còn một số lò gạch hoffman còn hoạt động cầm chừng.
Thị trường gạch ngói đóng băng khiến cho nhiều lao động mất việc
“Sống với nghề làm gạch ngói đã hơn 30 năm nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cả xóm lò chịu cảnh “chết lịm” thế này. Bây giờ mỗi lần ra nhìn mấy lò gạch thấy đứt ruột, hơn chục miệng lò nghi ngút khói suốt mấy chục năm, giờ bỗng lạnh tanh. Mấy chục công nhân làm việc phải chịu cảnh thất nghiệp, chạy cơm từng ngày”. Đó là lời tâm sự của ông Huỳnh Văn Tư, một chủ cơ sở sản xuất gạch ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành.
Hiện tại, hơn 90% lò gạch truyền thống ở huyện Châu Thành buộc phải đóng cửa do không tìm được đầu ra. Nhiều cơ sở cho biết, gạch đã ra lò hơn một năm trước nhưng đến giờ vẫn còn nguyên chưa có lái nào đến hỏi mua. Ông Nguyễn Văn Còn - Chủ tịch Nghiệp đoàn gạch ngói xã An Hiệp, huyện Châu Thành cho biết: “Bây giờ một số lò vẫn còn lên khói là do muốn tạo cho công nhân có công ăn việc làm hoặc xử lý nguồn nguyên liệu tồn, chứ hầu như không có lò nào sản xuất mới. Hiện tại, cơ sở của tôi vẫn còn mấy chục muôn gạch (1 muôn bằng 10.000 viên) chưa bán được. Nếu bán ra thì lỗ vốn nhưng không bán thì mấy trăm triệu đồng còn đó không lấy lại được”.
Cũng theo ông Còn, nguyên nhân khiến các cơ sở ở An Hiệp phải đóng cửa là do không có thị trường tiêu thụ. Nếu như vài năm trước đây, gạch xuất mạnh sang thị trường Campuchia và miền Đông thì hiện nay các thị trường này đều bị “đóng băng”. Thêm vào đó, giá nguyên nhiên liệu đầu vào liên tục leo thang khiến cho chi phí sản xuất cũng tăng theo, làm cho các sản phẩm gạch nung truyền thống ở đây không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại trên thị trường.
Ông Huỳnh Văn Tư tâm sự: “Giá trấu mấy năm trước rất rẻ nhưng hiện nay do một số công ty ở các khu công nghiệp chuyển sang sử dụng trấu làm nhiên liệu đốt thay cho than đá, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, làm cho giá trấu liên tục tăng trong những năm qua. Nếu như trước đây, đốt 1 miệng lò mất từ 20 - 30 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu thì bây giờ mất trên 100 triệu đồng vẫn đốt chưa xong 1 miệng lò, thử hỏi còn lời đường nào”.
Mấy chục năm qua, ngành nghề sản xuất gạch ngói đã đem lại thu nhập ổn định và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện tại của nhiều chủ lò, một lượng lớn lao động đang hoang mang vì chưa tìm được công việc thay thế phù hợp.
Cô Trần Thị Cúc ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành ngậm ngùi tâm sự: “Đã gắn bó với mấy lò gạch này hơn chục năm nay, nó như ngôi nhà thứ 2 của tôi và nhiều anh chị em ở đây. Bây giờ gạch không bán được, chủ lò buộc phải đóng cửa, còn công nhân coi như cũng mất chén cơm. Gia đình tôi không có ruộng đất, bây giờ tuổi đã cao nên muốn tìm được công việc phù hợp là chuyện khó khăn vô cùng.
Hiện tại, một số lao động tuổi đời còn trẻ đã tìm một số công việc khác thay thế như làm công nhân bốc vác trong các nhà máy xay xát hoặc khu công nghiệp. Tuy nhiên, lực lượng lao động lớn tuổi thì buộc phải chịu cảnh thất nghiệp.
Dự kiến trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”. Trong đề án này, UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất gạch truyền thống chuyển sang sản xuất vật liệu xây không nung. Bên cạnh đó, đối với lao động làm việc tại các cơ sở gạch truyền thống sẽ được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, nhằm tạo điều kiện cho lao động chuyển đổi ngành nghề.
Mỹ Lý