Nhiều ngân hàng đang gặp khó trong thu hồi nợ xấu

Cập nhật ngày: 12/05/2014 04:22:00

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tiếp tục đến Quỹ Đầu tư phát triển (ĐTPT) tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh để giám sát tình hình huy động vốn và cho vay phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.


Quang cảnh buổi làm việc tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp

Trong thời gian qua, Quỹ ĐTPT tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện tài trợ vốn cho các địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án, công trình phục vụ cho mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Quỹ đạt hơn 19 tỷ đồng. Năm 2014, Quỹ phấn đấu đạt lợi nhuận sau thuế hơn 9,5 tỷ đồng.

Khó khăn của Quỹ ĐTPT tỉnh là tình hình nợ xấu còn nhiều, chiếm tỷ trọng đến 15% dư nợ; công tác huy động vốn còn hạn chế; công tác thu hồi nợ gặp bất lợi.

Đối với NHNN tỉnh, trong thời gian qua Ngân hàng đã thực hiện tốt chức năng quản lý và triển khai các chủ trương, chính sách linh hoạt đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn. Từ năm 2011 đến cuối tháng 4/2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn huy động tổng nguồn vốn gần 21.000 tỷ đồng, qua đó đáp ứng cho khoảng 60% nhu cầu vốn trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 4/2014, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh là gần 32.500 tỷ đồng, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là hơn 17.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 4/2014, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 566 tỷ đồng, chiếm 1,74% tổng dư nợ cho vay.

Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo NHNN tỉnh cho biết các ngân hàng đang gặp khó khăn trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, vẫn còn 6 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ trên 3%.

Qua làm liệc, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Quỹ ĐTPT và NHNN tỉnh tăng cường việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ; quan tâm giáo dục đạo đức cán bộ tín dụng; tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của các tổ chức tín dụng; quan tâm hỗ trợ người dân có được nguồn vốn phát triển kinh tế, cuộc sống;...

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn