Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ đến năm 2020

Cập nhật ngày: 14/05/2014 06:46:32

Tháng 8/2012, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự đã triển khai thi công giai đoạn 1 (xây dựng tuyến đường tránh TP.Cao Lãnh và TX.Hồng Ngự) nhưng phải tạm đình hoãn, giản tiến độ sau năm 2015. Tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đưa vào danh mục các dự án dở dang được sử dụng trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới.


Đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn huyện biên giới Tân Hồng

Quốc lộ 54 có 2 cầu và đường chưa được nâng cấp đúng tiêu chuẩn của quốc lộ. Tỉnh đã kiến nghị và được Trung ương đồng ý cho triển khai giai đoạn 2 là cải tạo, nâng cấp mở rộng mặt đường và đầu tư 2 cầu còn lại của quốc lộ 54 đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Dự án xây dựng mới tuyến An Hữu - Cao Lãnh kết nối với đường cao tốc Cần Thơ - TP.HCM hiện chưa có trong danh mục đầu tư đến năm 2015 của Trung ương. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đưa dự án này vào danh mục đầu tư giai đoạn 2016-2020.

Trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu đầu tư hoàn chỉnh 15 tuyến đường tỉnh (từ ĐT 841 đến ĐT 855). Trong đó, giai đoạn 2011-2015 ưu tiên đầu tư 4 tuyến như: ĐT 845 - đoạn Trường Xuân - Tân Phước, dài 27km); ĐT 846 - đoạn Mỹ An - Bằng Lăng, dài 11,2km và đoạn Đường Thét - Phong Mỹ, dài 18,4km; ĐT 848 - cầu Sa Đéc 2 và đường vành đai 848; ĐT 852B - Vĩnh Thạnh - Lấp Vò, dài 10,2km.

Thực hiện Nghị quyết số 52 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã xây mới, cứng hóa mặt đường với tổng chiều dài gần 187km đường giao thông nông thôn, phù hợp với tiêu chuẩn của tiêu chí xã nông thôn mới; xây dựng 233 cầu nông thôn các loại với tổng chiều dài trên 5.600m và xây dựng 2.126m cống các loại.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hiện có, xây dựng cảng mới ở sông Tiền và sông Hậu theo chuẩn quy hoạch. Quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa cấp huyện và các khu, cụm công nghiệp có khả năng tiếp nhận sà lan có tải trọng đến 750 DWT.

Nhìn chung, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua được Trung ương quan tâm đầu tư. Ngoài các công trình do bộ, ngành Trung ương đầu tư, tỉnh Đồng Tháp cũng được sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư hệ thống đường tỉnh và đường giao thông nông thôn. Ngân sách địa phương và các nguồn thu khác có tính chất ngân sách cũng đã dành tỷ trọng lớn để đầu tư hạ tầng giao thông. Nhờ đó, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, kể cả giao thông nông thôn phát triển đều khắp, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, phục vụ an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn