Cần xây dựng cơ chế vay vốn theo chuỗi sản xuất thủy sản
Cập nhật ngày: 28/05/2014 12:18:05
Mặc dù việc cho vay theo chuổi sản xuất thủy sản đã được các tổ chức tín dụng quan tâm, thực hiện nhưng hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn, quy định nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) thủy san có một cơ chế vay phù hợp với đặc điểm của ngành. Từ thực tế này, đòi hỏi phải xây dựng một cơ chế phù hợp với đặc điểm của ngành thủy sản để tạo điều kiện cho cả DN và ngành ngân hàng (NH) có cơ chế vay và cho vay phù hợp.
Chế biến thủy sản tại Công ty TNHH Hùng Cá
Chưa có cơ chế vay phù hợp
Hùng Cá Group là một trong những chủ thể tham gia thực hiện mô hình vay khép kín do Chi nhánh NH TMCP Công thương Đồng Tháp triển khai từ những ngày đầu mới thành lập. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá đánh giá, thời gian đầu thành lập, Hùng Cá Group gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp đã đánh giá đúng tiềm năng của Công ty, hỗ trợ kịp thời vốn trung, dài hạn để Công ty mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, công nghệ mới. Với sự đồng hành của VietinBank Chi nhánh Đồng Tháp, Công ty như được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế.
Mặc dù đã gặt hái được những thành công nhất định trong việc hoàn thiện chuỗi quy trình khép kín, tuy nhiên, theo ông Hùng, do còn nhiều rào cản trong chính sách tiếp cận vốn vay nên đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng như quyết định cho vay của NH. Cụ thể, để thực hiện 1 chu trình khép kín từ khâu cung ứng thức ăn, nuôi trồng và chế biến thủy sản thì DN cần tối thiểu 12-13 tháng (có khi kéo dài đến 15 tháng). Trong khi đó, NH chỉ cho vay vốn ngắn hạn tối đa không vượt quá 12 tháng. Chưa có chính sách cho vay nào phù hợp với đặc điểm của phương thức sản xuất này, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất của DN, cũng như quyết định cho vay của NH.
Thêm nữa, khi đi vay, để tăng cường khả năng thu hồi nợ, giảm thiểu rủi ro, các NH thường yêu cầu có tài sản đảm bảo nợ vay. Do ngành thủy sản yêu cầu phí đầu tư vùng nuôi khá lớn (chi phí đào ao), tuy nhiên trong thực tế, các ao nuôi này NH không thể định giá và nhận thế chấp phần chi phí này được vì nó không tồn tại dưới hình thái tài sản, không tạo được giá trị tăng thêm khi mua bán trên thị trường mà có khi còn thấp hơn so với đất nông nghiệp khác. Từ đó, dẫn đến một nghịch lý là DN tốn rất nhiều chi phí đầu tư hình thành nên tài sản, nhưng không sử dụng được để làm tài sản thế chấp khi vay vốn NH, còn NH thì chịu rất nhiều rủi ro khi cho vay không có tài sản.
Các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh chưa phù hợp gây nhiều khó khăn cho DN. Cụ thể, các chính sách ưu đãi đầu tư thường chỉ áp dụng đối với các DN mới thành lập. Còn các DN cũ muốn đầu tư phát triển thêm lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh hiện tại hoặc phân tán rủi ro thì lại không có bất kỳ ưu đãi nào. Nếu muốn nhận ưu đãi, Công ty phải thành lập 1 pháp nhân mới, từ đó kéo theo nhiều khó khăn đối với DN: bộ máy quản trị tăng thêm đáng kể, phát sinh nhiều chứng từ, sổ sách khác, chưa tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường nên khó khăn trong việc kinh doanh và thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư hoặc đi vay NH... Chính những vướng mắc đó đã hạn chế rất nhiều trong việc đầu tư vốn của NH cho các bên tham gia chuỗi liên kết giá trị.
Hướng đầu tư tín dụng hiệu quả cho mô hình vay khép kín
Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai chính sách tín dụng cho mô hình khép kín, nhiều ý kiến cho rằng cần có một cơ chế vay phù hợp với đặc điểm của ngành. Mới đây tại cuộc họp bàn về giải pháp và chính sách phát triển thủy sản do Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NH Nhà nước Việt Nam khảo sát tại Đồng Tháp, nhiều chuyên gia và DN trong ngành thủy sản đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tín dụng cho mô hình thủy sản khép kín với những cơ chế cho vay phù hợp. Ví dụ đối với DN xuất khẩu thủy sản theo mô hình khép kín sau khi vay vốn phục vụ cho việc nuôi trồng cá tra, khi đến thời điểm thu hoạch cá đem lên chế biến thì DN được phép vay nhằm tái cơ cấu mục đích nuôi trồng thủy sản sang mục đích chế biến thủy sản với thời hạn phù hợp để tiếp tục một vòng quay mới mà không phải thu xếp vốn tự có trả nợ ngay cho NH. Có như thế thì DN mới đảm bảo được nguồn trả nợ đúng hạn cho NH và được hưởng các gói lãi suất thấp do thời hạn cho vay ngắn.
Đối với các ban, ngành cần có chính sách bảo lãnh vay vốn đối với các DN, hộ nông dân đã tiến hành đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản trong các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của NH; nghiên cứu triển khai thực hiện bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân và tạo sự tin tưởng cho NH khi tham gia cho vay các lĩnh vực này...
Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về thủy sản, trong đó dành nhiều sự quan tâm đến mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết thủy sản. Ðể làm được điều đó, cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư phát triển vùng nuôi và chế biến thủy sản, trong đó, chính sách tín dụng phải được đặt lên hàng đầu.
MN