Nhiều khó khăn trong vụ lúa thu đông 2014
Cập nhật ngày: 26/05/2014 05:40:59
Nhiều địa phương trong tỉnh sắp thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, một số nơi nông dân đang trong quá trình cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống tiếp vụ lúa thu đông (TĐ) năm 2014 . Vụ lúa này được xem là khó nhất trong năm, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi và sâu bệnh.
Chú trọng gia cố đê bao ngăn lũ bảo vệ toàn bộ diện tích lúa thu đông 2014
Theo kế hoạch, vụ TĐ năm 2014 toàn tỉnh Đồng Tháp sẽ xuống giống khoảng 110.000ha, giảm hơn 24.000ha so với năm 2013. Đến thời điểm hiện tại, nông dân trong tỉnh đã xuống giống sớm 10.000ha, tập trung ở các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tân Hồng.
Ngành nông nghiệp căn cứ vào diễn biến rầy nâu di trú, khuyến cáo lịch xuống giống lúa TĐ 2014 chia làm 3 đợt: đợt 1: từ ngày 20/5 - 27/5; đợt 2: từ ngày 18/6 - 25/6; đợt 3: từ ngày 20/7 - 31/7 (theo Dương lịch). Song song đó, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân khi xuống giống cần tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cách đồng có nhiều trà lúa khác nhau; việc xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ TĐ đảm bảo đúng yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), nông dân nên sử dụng các loại giống chủ lực, kháng sâu bệnh cho năng xuất cao, chất lượng tốt như: OM 4218, OM 6976, OM 4900... Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về lịch thời vụ, về nguồn giống tốt đảm bảo yêu cầu chất lượng, nông dân cần kéo dài thời gian giữa cải tạo đất với thời gian gieo sạ để tránh cây lúa ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ; phải bơm nước rửa đất ngay từ đầu vụ; phải thăm đồng thường xuyên vì vụ này gặp thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, vàng lùn lùn xoắn lá.
Trước vụ mùa mới, ngành nông nghiệp đưa ra những giải pháp, khuyến cáo nhằm hỗ trợ nông dân. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục Trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân làm vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa đông xuân. Đồng thời, hướng người dân gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ và đồng loạt, chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng; nắm chặt tình hình diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại thiên tai, dịch hại.”
Ngoài ra, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tập trung chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “ 3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.
Theo bà Ánh, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bão, lũ gây ra trong thời điểm thu hoạch, ngành nông nghiệp các huyện, thị cần thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống bờ bao ngăn lũ, chủ động tiêu nước chống úng, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa tránh lũ tại các địa phương.
Nhật Khánh