Phải xây dựng phương pháp tổ chức, tư duy đổi mới

Hội nghị triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 21/05/2014 10:19:34

Chiều 20.5, tại hội trường Khu du lịch Mỹ Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND huyện, thị, thành...


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan thông tin cho đại biểu nắm rõ những nội dung trọng tâm của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án là nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định, chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp; nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh chọn 5 mặt hàng chủ lực để tổ chức tái cơ cấu sản xuất, gồm: lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài, con vịt. Dịp này, các đại biểu tham dự có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến những thuận lợi và khó khăn trong liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp; vấn đề sắp xếp, xây dựng lại mô hình hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến việc rà soát quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu các ngành hàng; việc cải tiến tổ chức và tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm; khả năng tiếp thị và xây dưng thương hiệu các sản phẩm nông sản của địa phương ở thị trường trong nước và quốc tế...

Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh, 3 vấn đề quan trọng được xem là linh hồn của Đề án này chính là: hợp tác, liên kết, định vị theo thị trường. Theo đồng chí Lê Minh Hoan, vấn đề quan trọng khi thực hiện Đề án là phải xây dựng phương pháp tổ chức, tư duy đổi mới để áp dụng rộng hơn với các đối tượng, thích ứng linh hoạt hơn với các biến động bên trong lẫn bên ngoài. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị hiểu được nội dung, mục tiêu và giải pháp thực hiện là nội dung hàng đầu trong kế hoạch triển khai Đề án, là cơ sở tạo nên sự quan tâm, đồng thuận của xã hội đối với Đề án.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn