Chắp cánh cho hạt gạo vươn xa
Cập nhật ngày: 04/06/2014 05:37:35
25 năm theo nghề chế biến và sản xuất lúa gạo, ông Phạm Văn Bên - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May vẫn luôn trăn trở cho hạt gạo của Việt Nam vươn mình. Cỏ May cũng là doanh nghiệp sản xuất gạo đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đưa hạt gạo ra thị trường ngoài nước mang tên Nosavina với các dòng: Lài Đông Xuân, Sen Hè Thu và Cúc Thu Đông.
Doanh nghiệp Nhật Bản tham quan sản phẩm gạo Nosavina
Theo ông Bên, chúng ta tự hào Việt Nam là đất nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới với trên 30 triệu tấn/năm, xuất ra thị trường thế giới 7 triệu tấn nhưng một nghịch lý đang tồn tại là thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam vắng bóng trên thị trường quốc tế. Hiện nay, chúng ta chủ yếu sản xuất theo số lượng mà chất lượng còn bỏ ngỏ. Cũng chính những yếu tố đó mà thị trường thế giới chỉ biết đến gạo Việt Nam bằng tiêu chuẩn 5% tấm hay 10% tấm... chứ chưa biết đến tên gọi nào cho hạt gạo nước nhà.
Xuất thân là nông dân, ông Bên rất thấm thía cái khổ của người nông dân “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, 3-4 tháng quần quật với việc đồng áng mới mong có lãi 30% nhưng vẫn còn khá bấp bênh. Trong khi đó, gạo Việt Nam thông qua nhiều kênh phân phối đã lên đến 50.000 đồng/kg tại Singapore. Chính những yếu tố đó đã ấp ủ cho doanh nghiệp Cỏ May cho ra đời sản phẩm Nosavina (viết tắt của “nông sản Việt Nam”).
Để hạt gạo bước vào sân chơi lớn, sản phẩm gạo Nosavina sẽ chịu áp lực trước đòi hỏi khắt khe của các thị trường khó tính. TS. Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chia sẻ: “Cải thiện chất lượng gạo hiện nay là điều cần thiết. Trước tiên phải, sắp xếp hợp lí, giúp dễ quản lí và đảm bảo được chất lượng lúa gạo của toàn chuỗi cung ứng. Hầu hết các loại máy sấy của đồng bằng sông Cửu Long đều áp dụng nguyên lý sấy trực tiếp. Tác nhân từ các lò sấy làm cho sản phẩm bị nhiễm bẩn và mất mùi thơm đặc trưng của giống lúa, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng của hạt gạo. Chúng ta cần thay đổi hệ thống thiết bị để tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có nhu cầu gạo chất lượng cao...”.
Trước những đòi hỏi đó, doanh nghiệp xác định đầu tư nâng cao chất lượng là một trong những việc làm tất yếu. Trong năm 2013, Cỏ May đầu tư nhà máy với quy mô lớn đưa vào hoạt động, được xem là một trong những nhà máy chế biến gạo hiện đại nhất hiện nay với quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc tế HACCP (một chứng chỉ nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm). Trong nhà máy này có hệ thống máy tách màu để loại bỏ những hạt gạo không đạt tiêu chuẩn trước khi đóng gói, giúp nâng cao phẩm cấp gạo.
Điểm đặc biệt của các dòng sản phẩm Nosavina là tất cả đều là gạo mới. Ông Phạm Văn Bên cho hay: “Qua khảo sát tại các thị trường cho thấy, hầu hết các dòng sản phẩm gạo trên thị trường đều là gạo cũ, khi thành cơm, sản phẩm không mang những nét đặc trưng của chủng loại gạo, đồng thời các dưỡng chất thay đổi rất nhiều. Dựa vào điểm khuyết đó, chúng tôi luân chuyển và cam kết cung cấp loại gạo mới theo từng mùa cho khách hàng. Qua khảo sát đối với những người dùng thử họ rất hài lòng về tiêu chí này. Đây cũng là yếu tố khẳng định thương hiệu và mang tính cạnh tranh lành mạnh”.
Thị trường mà doanh nghiệp Cỏ May hướng tới đầu tiên là Singapore. Theo đánh giá của doanh nghiệp đây là thị trường giàu tiềm năng bởi nhu cầu sử dụng gạo lớn. Ông Bên nói: “Để có nhà phân phối tại thị trường này tôi phải mất thời gian một năm. Đối với người gốc nông dân làm thương mại nước ngoài thì quá khó nhưng chính hoài bão đã giúp tôi kiên trì thực hiện. Rất may, doanh nghiệp được chính quyền địa phương ủng hộ và những người bạn cùng đồng hành. Nhà phân phối của chúng tôi đã hoàn thành, chuẩn bị 300.000 tấn gạo cho thị trường này. Những thị trường khác mà doanh nghiệp hướng tới là Châu Âu, Mỹ, Malaysia...”
Ông Nhị Văn Khải, Giám đốc Sở Công Thương nói: “Tôi đánh giá cao việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam của DNTN Cỏ May, đây là công việc mà nhiều doanh nghiệp thấy, biết cần phải làm nhưng chưa mạnh dạn, nay chỉ mới có Doanh nghiệp Cỏ May đi tiên phong mở đường”.
Hiện nay, các doanh nghiệp đưa gạo Việt Nam ra thế giới rất ít và nếu có thị phần cũng không nhiều, trong khi đây được xem là một “mảnh đất màu mỡ”. Tính riêng thị trường Singapore, hàng tháng nhập khoảng 200.000 tấn gạo, giá bình quân khoảng 50 ngàn đồng/kg. Ông Bên bộc bạch: chỉ cần mỗi doanh nghiệp chiếm 2% thị phần đã là một con số khá ấn tượng. “Một con én không làm nên mùa xuân, tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp cùng đồng hành đưa gạo của nước ta ra thị trường thế giới vì không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn mang yếu tố cộng đồng rất lớn. Khi dự án thành công, tôi sẽ cùng bà con nông dân liên kết sản xuất. Bởi doanh nghiệp đang có đầu ra tốt, sẽ thu mua lúa cho người nông dân với giá cao. Khi người nông dân thấy được những lợi ích của mình họ sẽ ý thức thực hiện đúng quy trình để hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chặt chẽ hơn, đôi bên cùng có lợi”.
K.D