Huyện Tân Hồng

Làng nghề bánh tráng truyền thống bị mai một

Cập nhật ngày: 30/05/2014 11:49:18

Xã Bình Phú, xã Tân Hộ Cơ và thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng được biết đến như “thủ phủ” của nghề sản xuất bánh tráng kiểu miền Trung. Tuy nhiên, việc sản xuất của làng nghề đang dần bị mai một vì từ trước đến nay không có nhiều hỗ trợ từ phía các ngành trong định hướng sản xuất, cũng như các giải pháp phát triển cần thiết. Thay vào đó, bà con phải “tự thân vận động” từ việc tìm nguồn nguyên vật liệu (gạo, mè)... đến tiêu thụ.


Làng nghề bánh tráng tại huyện Tân Hồng có nguy cơ bị mai một

Từ nhiều năm trước, cứ bước sang tháng giêng là làng bánh tráng thuộc huyện Tân Hồng lại nhộn nhịp với việc: đắp thêm lò, làm thêm liếp, tráng bánh suốt ngày đêm để phục vụ nhu cầu thị trường. Chị Trần Thị Thanh Nga ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú, tiếc nuối nói: “Ngày xưa, trong ấp nhà nào cũng có từ 2-3 lò để tráng bánh. Thời điểm gần Tết, khách đặt hàng nhiều nên các hộ làm bánh trong ấp bắt đầu nổi lửa từ nửa đêm tới chiều tối ngày hôm sau. Mỗi lần tráng hơn 2 thiên (2.000 cái bánh) mới đủ lượng bánh giao cho khách hàng. Tuy vất vả, nhưng mọi người luôn vui vẻ, hồ hởi sau những mẻ bánh khô.”

Theo nhiều hộ dân lâu năm trong nghề, ban đầu, nghề làm bánh tráng chỉ được xem như nghề phụ trong lúc nông nhàn, nhưng khi việc sản xuất mang lại hiệu quả cao (thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, thời điểm năm 1980-2005) nên nhiều hộ dân đã coi đây là nghề chính. Nhờ vào nghề này, nhiều người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng được nhà, ổn định cuộc sống. Điều quan trọng khiến bánh tráng nơi đây thành công là do người làm có bí quyết gia truyền từ miền Trung, với cách kết hợp nguyên liệu từ bột mì, mè, dầu màu pha trộn. Sự kết hợp đặc biệt của nguyên liệu và sự khéo léo của đôi tay người thợ đã tạo ra những chiếc bánh đều, ngon, nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Tuy nhiên, nguy cơ làng nghề bị mai một thể hiện rõ hơn khi từ hàng trăm hộ theo nghề làm bánh tráng trước đây, nay chỉ còn lại 36 hộ đang sản xuất. Chị Lý Thị Huệ - một trong những hộ gia đình làm bánh lâu năm của ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ nói: “Làng nghề bây giờ buồn lắm, rất nhiều người đã bỏ nghề đi làm việc khác. Nhiều người đi làm công nhân ở Bình Dương, Sài Gòn, công việc nhàn hơn, lương cao hơn nên không thích những việc ngày đêm cặm cụi bên lò bánh và chịu nắng ngoài trời để phơi bánh”. Một gia đình có truyền thống theo nghề làm bánh như chị Huệ, giờ đây cũng chỉ còn giữ lại được một lò hoạt động cầm chừng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuội - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú: “Nguyên nhân khiến làng nghề rơi vào tình trạng mai một là do nghề làm bánh hiện nay không mang lại hiệu quả kinh tế như trước, người kế cận không còn mặn mà theo nghề. Người dân nơi đây đã “quay lưng” với nghề truyền thống của mình. Khó khăn lớn nhất của làng nghề là việc sản xuất không có hiệu quả cao vì giá nguyên liệu, công việc làm vất vả, đầu ra sản phẩm bấp bênh”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn