Châu Thành quy hoạch, tìm hướng đi bền vững cho cây nhãn

Cập nhật ngày: 12/05/2017 11:00:19

ĐTO - Châu Thành được xem là “thủ phủ” trồng nhãn của tỉnh với tổng diện tích gần 3.400ha, sản lượng hàng năm đạt trên gần 33 ngàn tấn (chiếm khoảng 86,69% sản lượng của tỉnh). Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, Châu Thành đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tìm hướng đi bền vững cho cây nhãn.


Châu Thành định hướng xây dựng các vườn nhãn kiểu mẫu phục vụ khách tham quan

Theo đó, địa phương tăng cường quản lý đất trồng nhãn theo đúng quy hoạch; tiếp tục sản xuất nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhãn; xây dựng các vườn nhãn kiểu mẫu, vườn cây ăn trái gắn kết với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Đồng thời, huyện cũng chú trọng công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

Từ năm 2016 đến nay, sản phẩm nhãn Châu Thành đã được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng trên 200 tấn. Hiện nhu cầu thị trường tiêu thụ nhãn trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng, sản lượng nhãn Châu Thành mặc dù tăng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển cây nhãn bền vững, huyện Châu Thành đã quy hoạch diện tích trồng nhãn đến năm 2020 đạt 4 ngàn ha, sản lượng đạt 70 ngàn tấn/năm. Theo lộ trình cụ thể thì năm 2016 là 3.377ha; năm 2017 ở mức 3.480ha; năm 2018 là 3.650ha; năm 2019 là 3.820ha và năm 2020 đạt 4 ngàn ha.

Từ nay đến năm 2020, huyện tập trung chủ yếu củng cố lại diện tích, cụ thể đối với vườn nhãn có sẵn sẽ tăng cường đầu tư, nâng cao giá trị cây nhãn bằng cách ổn định mật độ cây, bỏ bớt cây trồng xen, tỉa cành tạo tán cho cây phát triển đồng đều, tăng hiệu quả làm bông, đậu trái; đầu tư hệ thống tưới phun, giảm chi phí sản xuất. Đối với vườn nhãn tiêu da bò lâu năm, bị bệnh chổi rồng, phòng trị không hiệu quả, địa phương sẽ vận động nông dân chuyển đổi sang trồng giống nhãn Edor (Ido).

Khuyến khích nông dân khai thác hết diện tích đất chưa được đầu tư như các vườn tạp, vườn cây ăn trái khác kém hiệu quả kinh tế để cải tạo thành vườn nhãn; thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi giống, mở rộng diện tích trồng nhãn; phát triển vùng nhãn Châu Thành thành vùng nguyên liệu đặc thù của huyện với mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, theo định hướng chuyên môn hóa, góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân, hình thành mối liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn