Chênh lệch giá cả hoa màu từ vườn ra chợ

Cập nhật ngày: 09/11/2012 05:56:59

Vùng sản xuất rau an toàn trên 160ha ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 20 tấn rau củ mỗi ngày. Để sản xuất rau theo hướng an toàn, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGap, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Hoa màu về chợ thực phẩm thị xã Hồng Ngự

Song, trong mối quan hệ tiêu thụ giữa nông dân - thương lái - người bán lẻ thì xem ra người trồng màu luôn ở thế bị động. Ông Đỗ Văn Thơm, ấp Long Hòa, xã Long Thuận nói: “Tôi làm rẫy đã trên 10 năm, sản phẩm làm ra lúc nào cũng bị thương lái ép giá, tới thời điểm thu hoạch để bán bao giờ người mua cũng quyết định giá, nông dân phải chịu thiệt thòi do đầu ra không ổn định”.

Có thể nói, sự chênh lệch giá cả nông sản từ vườn ra chợ là do khâu trung gian, càng nhiều đầu mối thì 1kg củ quả hay một bó rau xanh đến tay người tiêu dùng đã đội giá lên đáng kể. Thực tế qua khâu vận chuyển nội huyện - từ vùng hoa màu các xã Cù Lao đến chợ thực phẩm xã Thường Thới Tiền, tiểu thương phải thu hàng qua 2 khâu trung gian và giá cả ra chợ đã chênh lệch từ 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Cụ thể, 1kg hành lá tại ruộng có giá từ 18.000 - 19.000 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại có giá từ 25.000 - 26.000đồng, rau các loại tại ruộng 7.000 - 8.000 đồng, đến tay người tiêu dùng có giá từ 11.000 - 12.000 đồng... Chị Hồ Thị Nguyệt, tiểu thương chợ thực phẩm thị xã Hồng Ngự nói: “Hiện giá cả các loại rau củ tăng, người mua về bán cũng chỉ có lời từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại, người bán ở chợ cũng qua khâu trung gian nên giá cả phụ thuộc vào người đi lấy rau về bỏ mối”.

Vùng sản xuất rau an toàn được quy hoạch trong thời gian qua bước đầu đã hướng người nông dân quen dần với hình thức sản xuất tập thể. Hiện tại, xã Long Thuận đã thành lập được 4 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, mỗi tổ có từ 40 - 50 hộ cùng thống nhất công tác bơm tưới tiêu, chọn mặt hàng xuống giống để cân đối cung cầu... song vấn đề ký kết bao tiêu sản phẩm hầu như chưa có lời giải.

Ông Kha Văn Liến - Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị thành lập Tổ mua bán rau có sự tham gia của các cổ phần để việc mua bán đỡ đi khâu trung gian, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách gần nhất. Tới đây, tại chợ số 3 ấp Long Hưng sẽ thành lập một sạp mua bán rau với giá sỉ để thương lái các nơi có nhu cầu mua bán đến đây trao đổi trực tiếp. Địa phương cũng từng bước tìm đầu ra và hợp tác với các thương lái để họ vô cổ phần với tổ mua bán của xã”.

Năm 2012, huyện Hồng Ngự đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau ở xã Long Thuận với kinh phí gần 500 triệu đồng, làm điểm tập trung thu mua và chế biến rau an toàn để từng bước quy hoạch, định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn