Ông Phạm Văn Điểm làm giàu nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi
Cập nhật ngày: 07/11/2012 06:09:05
Ông Phạm Văn Điểm ngụ ấp 3, xã Láng biển, huyện Tháp Mười trước đây sống bằng nghề làm lúa, lợi nhuận mỗi công lúa chỉ khoảng 4 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, lúc gặp thiên tai, dịch bệnh, lúa mất mùa, gia đình ông có khi còn bị lỗ vốn.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Phạm Văn Điểm
khấm khá hơn
Năm 2010, ông Điểm quyết định chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá rô đồng. Ông đào ao trên diện tích 10.000m2, ban đầu ông mua 400 cặp cá rô đồng bố mẹ về nhân giống, vụ đầu tiên do chưa có nhiều kinh nghiệm, tỷ lệ thất thoát cao, đến lúc thu hoạch, giá cá xuống thấp, ông bị thua lỗ, mắc nợ gần 100 triệu đồng.
Rút kinh nghiệm vụ nuôi đầu tiên, ông Điểm tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật nuôi từ những người đi trước. Năm 2011, ngành Nông nghiệp huyện Tháp Mười giới thiệu cho nông dân nuôi cá sặc rằn, ông Điểm mạnh dạn đăng ký tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi cá sặc rằn và về mua cá thả nuôi dưới ao nhà. Trên diện tích 10.000m2, ông Điểm thả nuôi 1.200 con cá sặc rằn giống đực và cái, tỷ lệ 60% đực và 40% cái.
Sau hơn 8 tháng chăm sóc, sản lượng khai thác khoảng 15 tấn cung cấp cho thị trường, với giá cá tươi bình quân 54.000 đồng/kg, ông Điểm thu về trên 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Điểm thu lãi được 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn chọn được 140kg cá sặc rằn cái đẹp để giống và nguồn cá giống này đang sinh sản đạt chất lượng tốt.
Ông Điểm cho biết, ông ấp ủ làm giàu từ nghề nuôi cá đồng từ đầu năm 2009, vì cá đồng dễ nuôi, ít bệnh; nguồn cá giống dễ tìm, có khả năng tự sinh sản để chủ động nguồn giống, nhu cầu thị trường lớn, tiêu thụ ổn định... Từ thực tiễn nuôi cá, ông Điểm rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để nâng cao năng suất, sản lượng cá và khẳng định con cá sặc rằn cho hiệu quả kinh tế cao hơn cá rô đồng cũng như những loài cá đồng khác.
Có được thành công bước đầu với con cá sặc rằn, ngoài kinh nghiệm nuôi cá vốn có từ thực tế sản xuất, ông Điểm tìm đến cán bộ khuyến ngư của huyện, tỉnh để học hỏi thêm kiến thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nuôi cá từ khâu thiết kế ao nuôi, xử lý nguồn nước cho đến cách sử dụng chế phẩm sinh học và cách phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá... Ông Điểm còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ nông dân khác trong xã xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ nuôi cá sặc rằn. Hiện phong trào nuôi cá sặc rằn đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Tháp Mười và trong tỉnh, hiệu quả kinh tế rất khả quan.
Lệ Chi