Đầu tư xây dựng kho chứa, giúp tiêu thụ và nâng giá trị nông sản

Cập nhật ngày: 04/11/2012 14:41:43

Quyết định số 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ các chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân được hỗ trợ lãi suất để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, như được vay 100% giá trị hàng hóa để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị (có giá trị sản xuất trong nước trên 60%), ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 là 50% lãi suất.


Thiếu kho chứa nông dân để lúa ngoài đồng gây thất thoát
và bị giảm chất lượng

Đối với các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, kho lạnh bảo quản thủy sản, các doanh nghiệp còn được miễn tiền thuê đất, được nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng và 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào. Các doanh nghiệp mới thành lập thực hiện dự án đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo; đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay áp dụng theo lãi suất tín dụng đầu tư phát triển.

Đồng Tháp là một tỉnh đứng nhất nhì ở đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất lúa và cá tra, với sản lượng hàng năm trên 3 triệu tấn lúa, trên 350.000 tấn cá tra. Tuy nhiên khi đến mùa thu hoạch rộ, doanh nghiệp thiếu kho chứa, nông dân phải chất lúa ngoài đồng hoặc xung quanh nhà gây thất thoát lớn và giảm chất lượng gạo. Còn các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh cũng thiếu kho lạnh trầm trọng.
 
Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, mỗi tháng công ty phải chi phí 3 tỷ đồng tiền gởi hàng vào kho lạnh thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể chi phí vận chuyển, lại phải ký kết hợp đồng rất khó khăn.


Nhiều doanh nghiệp đầu tư kho chứa giúp nông dân gởi lúa

Thực hiện theo Quyết định số 63 và 65 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đồng Tháp có 12 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT phân bổ xây dựng 314.000 tấn kho chứa lúa và 23.500 tấn kho lạnh với nguồn vốn vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển. Thời hạn hoàn thành các dự án đầu tư kho theo quy định của Chính phủ đến hết ngày 31/12/2013. Để các dự án đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh trong quá trình phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn cần xem xét tổng thể việc xây dựng kho chứa với việc đầu tư các dây chuyền xay xát, đánh bóng gạo hiện đại; đầu tư công nghệ tận dụng phế liệu, phế phẩm (trấu, cám) nâng cao giá trị gia tăng; thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích và phát triển bền vững.

Để giúp cho các doanh nghiệp tháo gở những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, sở NN&PTNT phối hợp với sở Công thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp có triển khai dự án. Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện theo tiến độ dự án, chọn lựa các thiết bị máy móc trong danh mục để được hưởng chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, do vốn đầu tư kho chứa rất lớn, nên cũng còn một vài doanh nghiệp chậm tiến độ thực hiện do thiếu tài sản thế chấp, thiếu nguồn vốn đối ứng nên khó tiếp cận nguồn vốn vay; công ty Vĩnh Hoàn đề xuất cần được thế chấp bằng máy móc thiết bị của dự án, nếu đợi khi có giấy hoàn thành sở hữu công trình để đem đi thế chấp vay vốn ngân hàng thì quá lâu; Công ty Docimexco cho rằng đầu tư trọn gói rất khó, cần phải phân kỳ đầu tư, vì vậy cần phải kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2014. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phải tính toán lại nguồn vốn đối ứng mới đủ điều kiện vay vốn ngân hàng; trong quá trình xây dựng, nếu có khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn các doanh nghiệp cần gặp trực tiếp với các ngân hàng bàn biện pháp tháo gở để dự án thực hiện kịp tiến độ.


Kho Lạnh và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Hùng Cá

Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, trong đó việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kho chứa của Chính phủ đã góp phần rất lớn giúp các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh việc tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản. Thắm thía với cảnh phải đi gởi kho nơi khác, vừa bị động vừa tốn kém chi phí, ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá rất biết ơn nhà nước đã quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện Công ty đang triển khai đầu tư xây dựng kho lạnh 10.000 tấn với kinh phí 258 tỷ đồng. Công ty phấn đấu quý III năm 2013 sẽ đưa hệ thống kho đi vào hoạt động. Khi đó công ty có điều kiện thu mua cá nguyên liệu của người nuôi trong những thời điểm cá nguyên liệu bị tồn động. Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động trong việc thực hiện kế hoạch chế biến thủy sản xuất khẩu của mình, đồng thời tiết kiệm được khoản chi phí 36 tỷ đồng mỗi năm do không còn phải đi gởi hàng ở kho lạnh nơi khác.

                                                                                                                                   Anh Quân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn