Chị Lâm Thị Ngọc Chúc và ước mơ nâng tầm giá trị nông sản quê hương
Cập nhật ngày: 02/03/2024 15:53:48
ĐTO - Với mong muốn nâng tầm giá trị cho nông sản quê hương, chị Lâm Thị Ngọc Chúc (SN 1989) - chủ hộ kinh doanh LamiFarm (thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò) đã quyết định khởi nghiệp bằng việc chế biến nước giải khát từ cây atiso đỏ và dâu tằm. Bước đầu các dòng sản phẩm của chị Ngọc Chúc được thị trường đón nhận.
Chị Lâm Thị Ngọc Chúc và sản phẩm khởi nghiệp từ cây atiso đỏ
Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học (TP Hồ Chí Minh), trải qua nhiều công việc, nhưng chị Lâm Thị Ngọc Chúc vẫn mong muốn làm giàu từ những tiềm năng sẵn có tại quê hương Lấp Vò. Nhận thấy cây atiso đỏ và dâu tằm có giá trị kinh tế, dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, lại phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, chị Chúc xây dựng ý tưởng chọn 2 loại cây này phát triển theo hướng thương mại.
Bỏ công việc tại TP Hồ Chí Minh, năm 2022, chị Chúc về quê bắt đầu nghiên cứu cách chế biến cây atiso đỏ và dâu tằm nhằm thỏa ước mơ khởi nghiệp. Theo chị Chúc, cây atiso đỏ và dâu tằm là dược liệu quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể, trẻ hóa làn da; điều tiết cholesterol xấu trong máu, giảm huyết áp, các bệnh về tim mạch; ngăn ngừa xơ vữa động mạch, lão hóa. Riêng với chị em phụ nữ, hoa atiso đỏ còn được sử dụng để làm các chế phẩm làm đẹp...
Song, việc chế biến nước giải khát từ 2 loại cây này không hề đơn giản. Chị Chúc cho biết: “Để chế biến ra mứt atiso đỏ, dâu tằm theo mong muốn phải trải qua nhiều quy trình khá công phu. Đầu tiên, hoa sau khi hái phải rửa sạch, để khô tự nhiên, rồi đem vào lò sấy khoảng 4 - 5 giờ, sau đó để nguội; tiếp đến là chế biến và công đoạn đóng gói”.
Tâm huyết với sản phẩm, nhưng thời gian đầu khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, bản thân chị Chúc gặp không ít khó khăn, do đây là loại cây trồng mới, sản phẩm mứt atiso mới xuất hiện gần đây, mọi người chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng nên còn e ngại. Sau khi sử dụng, người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận tốt về sản phẩm, nơi tiêu thụ được mở rộng.
Chị Chúc đang triển khai đưa cây atiso đỏ, dâu tằm đến với các xã lân cận trong huyện và mở rộng thị trường phân phối, đồng thời sáng tạo thêm nhiều công thức pha chế mới. Bên cạnh cung cấp các dòng sản phẩm từ atiso đỏ và dâu tằm, chị Chúc còn cung cấp các dòng sản phẩm: trái cây sấy, tinh dầu chúc và các loại nước chấm đặc sản được sản xuất từ các nguyên vật liệu trên mảnh đất quê hương. Hiện, mỗi tháng, LamiFarm cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm từ atiso đỏ, dâu tằm... Thị trường phân phối toàn quốc qua live stream các kênh: Facebook, Tiktok, Lazada...
“Tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng để cung cấp ra thị trường. Cùng với đó, nghiên cứu thay đổi nhãn mác bao bì; xây dựng vùng trồng; nghiên cứu thêm sản phẩm nước chấm từ atiso; đầu tư thêm thiết bị, máy móc chế biến...”, chị Chúc chia sẻ.
Anh Lê Hữu Thuận - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Lấp Vò, cho biết: “Lâm Thị Ngọc Chúc là đoàn viên tiêu biểu của thị trấn, dám mạnh dạn thử nghiệm, khởi nghiệp làm kinh tế với loại cây atiso đỏ ngay tại quê hương. Vừa qua, dự án của chị đã mở rộng được thị trường, phát triển được thương hiệu và có thêm nhiều sản phẩm từ cây atiso đỏ, dâu tằm... Thị trấn Đoàn Lấp Vò sẽ hỗ trợ chị Ngọc Chúc trong việc đăng ký sản phẩm OCOP năm 2024, mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển mô hình...”.
NHẬT NAM