Đồng Tháp quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm chế biến của địa phương

Cập nhật ngày: 29/02/2024 10:40:14

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240229104114dt2-6.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, ngành công thương tỉnh dành nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ để ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển theo hướng nâng cao giá trị và hướng đến sản xuất bền vững. Trong đó, các chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trang bị các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi sản xuất... được tập trung thực hiện, đạt nhiều hiệu quả.


Công nhân đóng gói sản phẩm sữa sen tổ yến tại Công ty TNHH Yến sào Thiên Phúc Đồng Tháp

Đồng Tháp đã hình thành được nhiều sản phẩm có thương hiệu gắn với vùng nguyên liệu của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: cá tra phi lê, bánh phồng tôm, hủ tiếu Sa Đéc...

Với việc tỉnh khuyến khích người dân, DN ở nông thôn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm từng bước được mở rộng và thu hút đông đảo đối tượng tham gia, góp phần tạo thêm sự phong phú về sản phẩm. Hiện, tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao. Các sản phẩm OCOP của Đồng Tháp đang dần chiếm được vị thế quan trọng tại các kênh phân phối trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia.

Năm 2023, nhằm đảm bảo ATTP trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, giúp các sản phẩm tạo được vị thế trên thị trường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hậu kiểm đối với các cơ sở thực phẩm được ngành công thương triển khai mạnh mẽ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định của pháp luật; hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất về sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh và thực hiện đầy đủ các thủ tục Nhà nước quy định như: Bản tự công bố sản phẩm, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP và các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị...

Là DN khởi nghiệp còn khá mới ở Đồng Tháp, song Công ty TNHH Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp (Quốc lộ 30, ấp Trung, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình) có trên 15 sản phẩm được chế biến từ tổ yến kết hợp với đặc sản của địa phương ra mắt thị trường, trong đó, có 4 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp, cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của ATTP đối với sức khỏe người tiêu dùng cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngay từ những ngày đầu bắt tay khởi nghiệp, tôi rất quan tâm đến vấn đề này trong các khâu sản xuất. Bên cạnh việc chuẩn hóa các khâu, từ nguyên liệu đầu vào đến sơ chế, đóng gói và thành phẩm, việc xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn cũng được DN chúng tôi quan tâm. Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quản lý chất lượng ISO 22000:2018 và đạt các yêu cầu về ATTP theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Chúng tôi quan tâm đến việc đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí cũng như nâng cấp quy mô chế biến, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Công tác hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất giúp DN có điều kiện đẩy mạnh chế biến sâu cũng được ngành công thương quan tâm. Trong năm 2023, hoạt động khuyến công hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của địa phương, đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực, năng lực của cơ sở công nghiệp nông thôn (NNT); phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tạo ra những sản phẩm mới, mang hàm lượng yếu tố công nghệ như: tinh dầu sen, sữa bột sen, sữa bột ấu, hạt sen, sữa chua, đông trùng hạ thảo...

Năm 2023, UBND tỉnh công nhận 37 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, ngành công thương tỉnh triển khai thực hiện 17 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí 9,529 tỷ đồng (kinh phí khuyến công hỗ trợ 3,882 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của 22 cơ sở, DN nông thôn 5,647 tỷ đồng).

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn