Chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn đi vào cuộc sống
Cập nhật ngày: 26/03/2014 05:39:16
Sau hơn 3 năm triển khai, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông thôn (NN&NT) đã đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn vốn đầu tư vào NN&NT, phát triển các mô hình cánh đồng liên kết, hợp tác xã (HTX), mở rộng nhiều dịch vụ cho thu nhập cao, xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản có giá trị.
Nguồn vốn vay đã góp phần từng bước xây dựng nền sản xuất
nông nghiệp hiện đại và bền vững
Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ sản xuất NN&NT theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện đạt được một số thành tựu quan trọng. Doanh số cho vay NN&NT hàng năm đều cao; tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với NN&NT các năm qua luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ. Tính chung trong 3 năm qua, dư nợ cho vay NN&NT đã tăng trên 7 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 77,78%. Năm 2012, tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển NN&NT đạt 9.190 tỷ đồng, chiếm 48,12% tổng dư nợ (9.190 tỷ đồng/19.095 tỷ đồng), đến tháng 9/2013, tỷ trọng này đã tăng lên 52,84% tổng dư nợ toàn tỉnh (16.338 tỷ đồng/30.918 tỷ đồng).
Sau 3 năm đi vào thực hiện, Nghị định 41 đã góp phần khơi thông nguồn vốn và thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực NN&NT; góp phần tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng cho cả người đi vay và ngân hàng cho vay, nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh ở mọi lĩnh vực. Từ nguồn vốn vay, nông dân, các HTX và trang trại đã cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống, thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững. Từ năm 2010 đến tháng 9/2013, toàn tỉnh có 347 lượt HTX tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị định 41 với tổng vốn 38,61 tỷ đồng.
Có thể nói, chính sách tín dụng là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất NN&NT. Từ đây, tạo được nguồn lực phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và nông dân có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Từ khi thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ, thông qua nguồn vốn này đã xuất hiện ngày càng nhiều HTX, tổ hợp tác (THT) nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, mạnh dạn phát triển thêm các dịch vụ và ngành nghề. Có thể kể đến những đơn vị dám nghĩ, dám làm, đầy sáng tạo như HTX dịch vụ nông nghiệp xã Bình Thành, huyện Lấp Vò; HTX nông nghiệp Tân Cường, HTX nông nghiệp Phú Thọ huyện Tam Nông; HTX nông nghiệp Tân Bình huyện Thanh Bình...
Việc đầu tư tín dụng cho NN&NT đã thu hút được các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tham gia. Trong đó, các NHTM Nhà nước, đặc biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đóng vai trò chủ đạo. Mạng lưới giao dịch của các NHTM được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ dân vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, 17 quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần cung ứng vốn sản xuất cho các thành viên là các hộ dân ở nông thôn. Thủ tục, hồ sơ cho vay đối với hộ dân của các NHTM cũng từng bước được cải cách để đơn giản, phù hợp với đặc thù của nông thôn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất NN&NT cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể như: do chính sách tín dụng có nhiều điểm mới nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp một số vướng mắc, khó khăn về thủ tục, lập hồ sơ, khâu thẩm định cho vay vốn đối với các HTX, chủ trang trại. Cụ thể, HTX muốn vay vốn từ Nghị định 41 phải chứng minh khả năng tài chính (vốn điều lệ thực), tài sản cố định (đất đai, nhà xưởng, sở hữu về đường nước, trạm bơm...), tình hình hoạt động năm sau phải lãi cao hơn năm trước. Trong khi đó, phần lớn các HTX không có nhiều tài sản cố định hoặc không thể chứng minh năng lực tài chính. Đây là những hạn chế khi HTX tiếp cận nguồn vốn này.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 41 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở NN và PTNT sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp, tái cấu trúc ngành nông nghiệp, đồng thời, áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư phục vụ sản xuất NN&NT để người dân biết và thực hiện. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đồng Tháp và các NHTM sẽ chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để tuyên truyền và nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu của khách hàng đối với từng lĩnh vực sản xuất và của nền kinh tế. Từ đó, có định hướng đầu tư phù hợp, kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế NN&NT của tỉnh ngày càng phát triển mạnh cả về quy mô và hiệu quả.
X.H