Huyện Lai Vung

Chủ động các biện pháp hạn chế hiện tượng rụng trái non trên cây quýt

Cập nhật ngày: 09/06/2014 05:54:53

Theo Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Lai Vung, thời điểm hiện tại, các nhà vườn đã làm tốt việc xử lý ra hoa nên tỷ lệ đậu trái khá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số diện tích vườn bị rụng trái non với tỷ lệ rụng khoảng 40-50%.


Nông dân cần chủ động các biện pháp phòng trừ dịch hại và
hiện tượng rụng trái non trên cây quýt

Ông Nguyễn Bé Năm - Trưởng Trạm BVTV huyện Lai Vung cho biết: “Việc rụng trái non trên cây quýt do cây bị thiếu dinh dưỡng, thời tiết thay đổi bất thường và sâu bệnh”. Khi cây thiếu dinh dưỡng thì sẽ không đủ sức nuôi trái nên phải rụng bớt để dồn sức nuôi một số trái còn lại. Để khắc phục nguyên nhân này, ngay sau khi thu hoạch, nông dân phải bón phân đầy đủ để cây phục hồi lại sức phát triển thân, lá, đủ khả năng nuôi được nhiều trái về sau. Vào thời gian này, nên bón thêm phân hữu cơ, chú ý bón thêm đạm và lân. Có thể dùng phân DAP hoặc hỗn hợp urê với phân lân.

Đến giai đoạn trái hình thành, cần nhiều đạm và kali, có thể bón hỗn hợp phân urê và kali clorua theo tỉ lệ 1:1 hoặc các phân NPK có hàm lượng đạm và kali cao, bổ sung canxi BO giúp kéo dài hạt phấn trên cây. Ngoài phân bón gốc, ở giai đoạn cây đã có trái nên phun phân bón lá có hàm lượng đạm và kali cao. Giai đoạn cây chuẩn bị rụng sinh lý nên bổ sung chất điều hòa sinh trưởng (Tân Đậu Quả, Atonik, GA3). Những chất này kích thích và duy trì sự tăng trưởng của tế bào, giúp hoàn chỉnh sự hình thành tầng rời, góp phần hạn chế rụng trái non.

Về nguyên nhân thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến việc rụng trái non, ông Trần Minh Sơn ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu cho biết: “Trường hợp này buộc người nông dân phải tỉa cành, tạo tán cho cây sau khi thu hoạch, kết hợp với việc giữ nước cân đối dưới ao, mương trong vườn, giữ cỏ dưới những tán cây giúp tản nhiệt”.

Ông Huỳnh Văn Chuộng ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước cho biết: “Trong giai đoạn từ khi cây quýt có trái non đến thu hoạch thường bị ảnh hưởng bởi các đối tượng dịch hại như: sâu vẽ bùa, bọ trĩ, nhện đỏ, bệnh thán thư, bệnh loét và bệnh thối rễ chết cây, bệnh vàng lá gân xanh (greening)...”.

Cũng theo ông Năm, để quản lý tốt các đối tượng dịch hại và hạn chế được việc rụng trái non trên cây quýt, việc dùng thuốc phòng trừ sâu cho cây cần chú ý sử dụng các loại thuốc sinh học để bảo vệ thiên địch và môi trường, nên sử dụng theo các nhóm chất Abamectin, Emamectin... Về thuốc trừ bệnh, nông dân nên sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm sinh học tổng hợp chủ yếu hiện nay là: Tricilazone, hexanazone, stretocine... Điều quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh gây hại là nông dân nên áp dụng tổng hợp các biện pháp IPM. Trong đó, việc cần thiết là phải sử dụng giống tốt và chăm sóc cho cây sinh trưởng khỏe mạnh làm nền tảng, kết hợp phát hiện, phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh phát sinh với các loại thuốc đặc trị thích hợp.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn