Chủ động sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa phục vụ thị trường Tết
Cập nhật ngày: 22/01/2022 06:31:53
ĐTO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, dự báo sức mua thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ giảm nhẹ so với những năm trước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ, phân phối hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Nhật Khánh
Ngay từ đầu tháng 12/2021, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chuẩn bị nguyên vật, liệu nhằm đáp ứng tốt nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tại Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành), đơn vị đang chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán với tâm thế sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp chia sẻ: “Hơn 1 tháng nay, để chuẩn bị cho thị trường tiêu dùng Tết, đơn vị tăng công suất sản xuất nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Năm nay, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng đơn vị vẫn giữ bình ổn giá. Cùng với đó, để kích thích nhu cầu người tiêu dùng, đơn vị cũng xây dựng phương án, chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm lên kênh mua sắm online và đẩy mạnh tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, đồng thời đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút thêm khách hàng”.
Công ty Bích Chi phục hồi 100% công suất sản xuất để đáp ứng đơn hàng cho đối tác, người dân và thị trường Tết Nguyên đán. Ảnh: Mỹ Nhân
Ông Phạm Thanh Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi cho biết, trong năm 2021, dù có thời gian DN bị gián đoạn sản xuất nhưng nhờ khả năng thích ứng linh hoạt nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vẫn duy trì ổn định. Hiện tại, DN đã phục hồi 100% công suất sản xuất để đáp ứng đơn hàng cho đối tác, người dân và thị trường Tết Nguyên đán.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tuy nhiên, năm 2022 dự đoán tình hình sản xuất của DN thực phẩm nói riêng, DN kinh doanh nói chung sẽ có nhiều thuận lợi hơn nhờ có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với dịch Covid-19. “Nếu duy trì nhịp độ sản xuất như hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp nâng cao công suất, sản lượng, năm 2022, chúng tôi dự kiến sẽ tăng lượng công nhân hơn 20% so với năm 2021”, ông Phạm Thanh Bình chia sẻ.
Công nhân Cơ sở sản xuất nem Tuấn Phát gói nem phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Thành Nam
Theo Cơ sở sản xuất nem Tuấn Phát (ở khóm Hòa Khánh, Phường 2, TP Sa Đéc), cơ sở đã bắt đầu vào mùa sản xuất Tết với giá bình ổn. Lượng nem tiêu thụ dự kiến mạnh dần từ khoảng 20-28 Tết do nhiều khách hàng mua nem làm quà biếu. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, số lượng nem tiêu thụ của cơ sở chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm rồi. Trước đây, cơ sở cung cấp nem cho các trạm dừng chân là chủ yếu nhưng do dịch bệnh, số lượng các trạm dừng chân hoạt động lại chưa nhiều nên hiện tại cơ sở cung cấp nem chủ yếu cho những người bán hàng qua mạng. “Dù lượng nem bán ra không bằng những năm trước nhưng so với thời điểm dịch còn phức tạp, cơ sở ngưng hoạt động khoảng 5 tháng, phải hỗ trợ lương cho công nhân 1,5 triệu đồng/người/tháng thì việc phục hồi sản xuất như hiện tại là niềm phấn khởi cho cơ sở và công nhân. Dịch bệnh được kiểm soát, mọi người đi lại bình thường, tin rằng cơ sở sẽ sớm đạt sản lượng như lúc chưa có dịch Covid-19”, anh Trương Thành Phúc - đại diện Cơ sở sản xuất nem Tuấn Phát chia sẻ.
Ngoài bánh, mứt và dưa kiệu, một trong những món ăn quen thuộc không thể thiếu trong thực đơn của mỗi gia đình dịp Tết cổ truyền phải kể đến món cá khô. Với quy mô sản xuất lớn, Làng khô Phú Thọ, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông có trên 40 hộ sản xuất. Nơi đây là một trong những đầu mối lớn cung cấp đa dạng các sản phẩm cá khô nước ngọt cho nhiều tỉnh, thành ở miền Tây và khu vực Đông Nam bộ.
Những ngày giáp Tết, hầu như gia đình nào ở Làng khô Phú Thọ cũng tất bật sản xuất hết công suất để kịp xuất xưởng những mẻ cá khô tươi, ngon phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Bạn Trần Thị Kiều Nam - chủ Cơ sở sản xuất khô Như Hằng (ấp A, xã Phú Thọ) phấn khởi chia sẻ, mặc dù năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng không khí sản xuất tại làng khô vẫn rất nhộn nhịp. Hơn 1 tuần qua, nhiều cơ sở ở làng khô bắt đầu tăng công suất chế biến và cho nhân công tăng ca để kịp trả đơn hàng cho khách. Trong tuần cuối cùng của tháng Chạp là giai đoạn “chạy nước rút” bởi nhiều mối lái thường tập trung đặt hàng vào thời điểm này.
Theo chủ Cơ sở sản xuất khô Như Hằng, giá khô năm nay cũng tương đương như những năm trước. Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, cơ sở sản xuất thêm sản phẩm khô cá lóc, khô cá sặc rằn, khô cá kết, khô cá chạch, khô cá lóc sợi... Riêng khô cá lóc sợi là sản phẩm mới được tẩm ướp và chế biến bằng phương pháp đặc biệt rất được thị trường ưa chuộng. Hiện tại trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán từ 300 - 400kg cá khô các loại phục vụ thị trường các tỉnh miền Tây, TP HCM, Bình Dương. Riêng tuần giáp Tết, công suất đạt khoảng trên 1 tấn khô/ngày. Nhờ hàng hóa tiêu thụ khá nên thu nhập của người lao động tại các xưởng sản xuất cá khô cũng ổn định. Hiện trung bình lương mỗi chị em làm ở cơ sở dao động từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Mặc dù chi phí đầu vào năm nay có tăng nhưng nhiều cơ sở sản xuất cá khô vẫn cố gắng giữ giá bán tương đương với những năm trước. Nhiều cơ sở khô cho biết, năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên chủ yếu bán được hàng và lãi chút đỉnh là phấn khởi. Năm nay, nhiều cơ sở sản xuất cá khô ở Làng khô Phú Thọ còn khai thác bán hàng thông qua các kênh online như zalo, facebook, sàn thương mại điện tử.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều cơ sở sản xuất cá khô vẫn có những cách làm hay và thích ứng tốt với tình hình mới, vừa duy trì công việc sản xuất kinh doanh vừa góp phần giải quyết tốt vấn đề lao động tại khu vực nông thôn.
Nhóm Phóng viên