Mô hình lúa 4.0

Cập nhật ngày: 18/01/2022 10:05:07

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220118100605dt2-3.mp3

ĐTO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện một số mô hình có liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 (mô hình lúa 4.0), thực hiện từ năm 2020 tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười.


Anh Ngô Phước Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 điều khiển hệ thống cảm biến nước trên đồng ruộng bằng điện thoại thông minh. 
Ảnh: Mỹ Lý

Mô hình lúa 4.0 nhằm nâng cao năng lực cho nông dân đủ khả năng nắm bắt và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chủ động quản lý và tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại và phát triển bền vững thông qua việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện trong sản xuất lúa, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm tiết kiệm công lao động, giảm thất thoát trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình được đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, tưới tiết kiệm nước, ứng dụng đồng bộ giải pháp công nghệ 4.0 với quy mô 170ha.

Theo đó, ruộng mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao, cấp nguyên chủng; áp dụng cơ giới hóa toàn diện các khâu làm đất, làm mạ, cấy lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị bay không người lái, thu hoạch, cuộn rơm... tiết kiệm được công lao động (giải quyết được vấn đề khan hiếm lao động như hiện nay), cây lúa hạn chế đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi, năng suất cao hơn so với ruộng ngoài mô hình.

Mô hình thực hiện bón vùi phân 1 lần cho cả vụ nhằm giảm thất thoát và tăng hiệu suất sử dụng phân bón (so với ruộng ngoài mô hình đã giảm được 130kg Urê/ha ở ruộng bón phân Rynan (một loại phân thông minh) và 26kg ure/ha ở ruộng bón phân bón thông thường, đồng thời tiết kiệm được công lao động. Qui trình ướt khô xen kẽ (thực hiện ở giai đoạn 31 ngày sau cấy và giai đoạn trước khi thu hoạch 1 tháng) được đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi nội đồng bằng bê tông, cảm biến nước điều khiển hoàn toàn bằng điện thoại thông minh (đồng mở cống) và phần mềm bơm tưới nước tự động.

Quản lý sâu rầy bằng mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) ngay từ đầu vụ giúp bảo tồn nguồn thiên địch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm dư lượng thuốc BVTV, an toàn cho con người và môi trường... Nông dân tham gia mô hình hình thành thói quen thu gom bao bì và vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng.

Thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa trên điện thoại thông minh, giúp nông dân cập nhật ngay công việc thực hiện, hạch toán được hiệu quả kinh tế cuối vụ. Nông dân các vùng lận cận đến tham quan có thể quét mã QR code để biết được qui trình sản xuất của nông hộ tham gia mô hình và truy xuất được nguồn gốc của lô giống mà mình đang sử dụng. 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp để giảm thất thoát; cuộn rơm bằng máy nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm), hạn chế đốt đồng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa, giảm phát thải khí nhà kính.

Mô hình được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gạo Việt Nam (VinaRice), Công ty CP Giống cây trồng Cửu Long, Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm với giá thị trường cộng thêm từ 900 - 1.000 đồng/kg.

Về hiệu quả kinh tế, mô hình lúa 4.0, giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn. So với ruộng ngoài mô hình, ruộng mô hình cho năng suất bình quân đạt 5,38 tấn/ha, cao hơn 1,08 tấn/ha; lợi nhuận cao hơn từ 5 - 8 triệu đồng/ha.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn