Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày: 15/01/2022 18:35:33

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220115082355khanh215.mp3

ĐTO - Chiều ngày 15/1, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình kết nối tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tham dự chương trình có ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà phân phối đến từ TP Hồ Chí Minh và tỉnh, thành vùng ĐBSCL.  


Quang cảnh buổi làm việc

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển 5 ngành hàng chủ lực là: cá tra, xoài, hoa kiểng, vịt, lúa gạo. Thời gian qua, Sở Công Thương Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh có sự kết nối đạt nhiều kết quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động tổ chức chương trình kết nối cung cầu với TP Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết tốt đầu ra cho nông sản địa phương. Đồng Tháp đang đẩy nhanh phục hồi kinh tế, song, doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, chưa kết nối được với TP Hồ Chí Minh. Tỉnh đang quy hoạch và chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mã vùng trồng, VietGAP, Global GAP; đẩy mạnh việc sản xuất gắn với thị trường; nâng cao sức ảnh hưởng của hợp tác xã, tổ hợp tác; chuyển đổi công nghệ số trong nông nghiệp…


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thăm các gian hàng trưng bày đặc sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Để công tác tổ chức hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa thành công, theo bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian tới, đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch, mua bán hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận hàng rõ ràng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Qua đó, tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Cùng với đó, yêu cầu Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết. Song song đó, cũng là đầu mối cung cấp thông tin cho doanh nghiệp các địa phương tiếp tục thực hiện công tác kết nối tiêu thụ nông sản, đảm bảo hiệu quả công tác kết nối không chỉ dừng lại trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, mà sẽ tiếp tục lan tỏa, mở rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương khác.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tặng quà cho các đơn vị, đối tác, nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh

Bà Phan Thị Thắng cũng yêu cầu Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất của Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sendo) tham mưu triển khai giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử vào công tác đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý, truy xuất nguồn gốc thông tin xuất xứ hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản của vùng…

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao sự kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa tỉnh với TP Hồ Chí Minh. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chương trình, hội nghị giới thiệu các tiềm năng về thủy sản, cây ăn trái… nhằm tạo sự liên kết với TP Hồ Chí Minh. 

Ông Nghĩa nhận định, việc sản xuất nông sản của tỉnh vẫn còn thiếu sự gắn kết trong từng khâu, chuỗi giá trị. Đồng thời, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông sản đa phần sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu tính kết nối. Do đó, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng thực hiện tốt tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế… Sự liên kết phải thể hiện rõ giữa các tỉnh, thành với TP Hồ Chí Minh. Đồng Tháp tập trung lấy các tiêu chuẩn nông sản để tập trung sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng trung tâm giới thiệu nông sản ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh;…


Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các nhà phân phối và doanh nghiệp tỉnh, thành vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn