Chủ động thực hiện giải pháp đầu tư công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp
Cập nhật ngày: 30/08/2021 14:55:42
ĐTO - Từ đầu năm đến nay, có 4 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhưng bão và áp thấp nhiệt đới đã gián tiếp gây ra mưa vừa đến mưa to, giông lốc, gió mạnh. Đáng chú ý, chỉ riêng trong tháng 7, trận mưa to kèm theo giông lốc, sấm sét xảy ra làm thiệt hại khoảng 2,73 tỷ đồng.
Tình hình sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 20 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thành phố (Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, TP Hồng Ngự và TP Cao Lãnh) với chiều dài sạt lở khoảng 30,8km, diện tích sạt lở 5,76ha gây mất an toàn cho đời sống người dân, ước thiệt hại khoảng 16,53 tỷ đồng. Sạt lở cũng xảy ra ở một số sông, kênh rạch nội đồng gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân với tổng chiều dài 801m, diện tích 2.058m2 , ảnh hưởng trực tiếp tới 6 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 657 triệu đồng.
Theo ngành nông nghiệp, thực hiện đầu tư công trình hạ tầng phục vụ sản xuất từ các địa phương (huyện, thành phố làm chủ đầu tư), kết quả đầu năm đến nay, vốn thủy lợi phí thực hiện 125 công trình các loại, chiều dài trên 96.100m, khối lượng đào đắp hơn 279.000m3, kinh phí thực hiện trên 57 tỷ đồng; vốn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa thực hiện 56 công trình các loại, chiều dài gần 54.000m, khối lượng đào đắp trên 35.000m3, kinh phí thực hiện trên 67,3 tỷ đồng.
Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhìn chung đã tác động đến tiến độ triển khai đầu tư công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai do các địa phương làm chủ đầu tư; ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cộng đồng; công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng gặp nhiều khó khăn...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và trở lại trạng thái sản xuất bình thường mới thì không ảnh hưởng thêm đến tiến độ thực hiện đầu tư công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất và các hoạt động phòng, chống thiên tai. Ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng giải pháp thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, tiếp tục tổ chức thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn...; kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Ngành nông nghiệp sẽ theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai và phát hành các bản tin về dự báo, cảnh báo thiên tai để người dân, cơ quan biết chủ động phòng tránh; tuyên truyền, triển khai các phương án về phòng, chống giông lốc, sạt lở, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ trên địa bàn tỉnh để các địa phương nắm, triển khai đến các huyện, thành phố thực hiện trong tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp.
Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình từ nguồn vốn hỗ trợ tiền giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và vốn hỗ trợ phát triển đất trồng lúa năm 2021; giải quyết cho lực lượng công nhân thi công các công trình được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc hỗ trợ test nhanh tìm kháng nguyên Covid-19 định kỳ, để đảm bảo đủ điều kiện di chuyển và thi công tại công trường.
T.H