Ngân hàng đã áp dụng các giải pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí để hỗ trợ khách hàng
Cập nhật ngày: 28/08/2021 15:18:19
ĐTO - Trước kỳ họp thứ hai, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X, cử tri các địa phương có ý kiến đề nghị ngân hàng hạ lãi suất cho vay hoặc có chính sách hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vay mua sắm máy móc phục vụ sản xuất như máy gặt đập liên hợp vì thời gian giãn cách xã hội không thể di chuyển khỏi địa phương để gặt lúa được nên không có thu nhập để trả lãi; xem xét giảm lãi suất hoặc không tính lãi đối với các hộ vay vốn tại ngân hàng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Về các ý kiến trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) thông tin, trong năm 2020 để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NHNN Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, mức giảm lãi suất sau 3 lần điều chỉnh là 1,5%/năm so với trước, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên đối với khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại các chi nhánh ngân hàng thương mại là 4,5%/năm.
Riêng trong năm 2021, nhất là khi dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát, tình hình sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tại Đồng Tháp có 14 chi nhánh ngân hàng thuộc hệ thống các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay. NHNN-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp hỗ trợ khách hàng, nhất là thực hiện nghiêm các cam kết giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Từ ngày 15/7/2021 (ngay sau khi UBND tỉnh chỉ đạo giãn cách toàn tỉnh) đến nay, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã triển khai giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, mức giảm lãi suất từ 0,2% - 1%/năm, tùy từng khách hàng và tùy từng tổ chức ứng dụng. Trong đó, một số chi nhánh ngân hàng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Đầu tư và Phát triển, Ngoại thương... triển khai giảm lãi suất đồng loạt cho các đối tượng khách hàng đang có dư nợ hiện hữu tại đơn vị, trong đó có khách hàng vay để sản xuất nông nghiệp, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như máy gặt đập liên hợp. Qua đó, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho 209 khách hàng doanh nghiệp, 8.300 khách hàng cá nhân, dư nợ được giảm lãi suất tương ứng 12.150 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách về lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đối với trường hợp khách hàng vay gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc cụ thể là trường hợp khách hàng mua máy gặt đập liên hợp khó khăn trong việc trả lãi do không có nguồn thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội như ý kiến của cử tri, NHNN-ĐT đề nghị khách hàng liên hệ chi nhánh ngân hàng nơi khách hàng vay vốn qua điện thoại để được xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng và áp dụng các giải pháp hỗ trợ phù hợp như cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí; đồng thời hướng dẫn các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ theo quy định trong thời gian giãn cách xã hội.
THANH TRÚC