Tháp Mười
Chuẩn bị vùng nguyên liệu cho liên kết sản xuất
Cập nhật ngày: 21/07/2014 05:31:06
Mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ được xem là xu hướng tất yếu góp phần đưa sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Những năm qua, mô hình này được huyện Tháp Mười thực hiện khá thành công. Để phát huy hiệu quả, huyện xây dựng kế hoạch hình thành vùng nguyên liệu, tạo ra nguồn sản phẩm lớn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp...
Theo ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười, thời gian qua, việc liên kết với doanh nghiệp đã mở ra hướng đi cho nông nghiệp địa phương, người nông dân được chủ động hơn khi bán lúa và giá cả cao hơn thị trường, hạn chế lớn tình trạng thương lái ép giá vào thời điểm thu hoạch rộ.
Xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ
Theo thống kê, diện tích thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp qua 6 vụ là gần 8.000ha, sản lượng đạt được trên 43.450 tấn, chiếm 7,5% tổng sản lượng lúa cả năm của địa phương. Trong đó, lúa hàng hóa là gần 5.500ha, lúa giống gần 1.400 ha, nếp trên 1.000ha. Các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ lúa như Công ty ADC, Công ty Lương hực Tân Hồng, Công ty Lương thực Vĩnh Hưng, Công ty Cẩm Nguyên,...
Ông Võ Văn Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho hay: “Vụ đông xuân là mùa vụ đạt được kết quả cao nhất, do nông dân sử dụng lúa chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên những vụ sau, đặc biệt là vụ lúa thu đông, do nông dân thường sử dụng những giống ngắn ngày để né lũ dẫn đến tình hình liên kết tiêu thụ ít hơn”.
Khi thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp luôn đồng hành hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai phương án liên kết, xây dựng hợp đồng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, nông dân được hướng dẫn, tập huấn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tuy nhiên, ngoài những khó khăn như việc mỗi doanh nghiệp có mô hình và phương thức liên kết khác nhau khiến nông dân lúng túng, chưa an tâm thì diện tích sản xuất manh mún nhỏ lẻ, nông dân trên cùng một cánh đồng tham gia liên kết quá ít, cũng gây khó khăn trong việc thu mua của doanh nghiệp.
Căn cứ vào tình hình thực tế, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp với số lượng lớn, huyện đã xây dựng kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho liên kết và tiêu thụ nông sản năm 2015 và giai đoạn 2016-2025. Kế hoạch sẽ hướng tới những hợp tác xã (HTX) có diện tích trên 400ha để thực hiện. Chỉ tiêu từ năm 2015-2025 là 23 cánh đồng liên kết với diện tích 10.500ha, trong đó, có 12 HTX và 11 tổ hợp tác (THT) tham gia. Riêng trong năm 2015, huyện thực hiện 14 cánh đồng, diện tích 6550ha. Đồng thời, huyện tranh thủ các nguồn vốn đẩy mạnh thực hiện các hạng mục cơ sở hạ tầng cho cánh đồng lớn, định hướng quy hoạch vùng sản xuất lúa giống nhằm cung cấp cho thị trường sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Xác định HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, huyện sẽ đẩy mạnh củng cố, đào tạo nâng cao trình độ năng lực cho các HTX, hướng tới hình thành HTX đa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã viên, nông dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 31 HTX, trong đó có 30 HTX nông nghiệp và 1 HTX thủy bộ cùng 119 THT. Ông Võ Văn Dũng nhận định: “Đối với các HTX trên địa bàn huyện, trình độ quản lý còn hạn chế, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc làm trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân chưa như mong đợi. Trước những đòi hỏi đó, huyện đang tiến tới củng cố, tạo điều kiện cho HTX, THT tiếp cận nhiều hơn với các chính sách ưu đãi. Đồng thời, sắp xếp cán bộ chuyên trách theo dõi và hướng dẫn cho HTX, sáp nhập các HTX như: sáp nhập HTX Toàn Thắng và HTX Thắng Lợi; HTX Rạng Đông và HTX Mỹ Đông 2, đồng thời, giải thể bắt buộc 2 HTX và yêu cầu giải thể 9 HTX hoạt động không hiệu quả, không đúng Luật HTX 2012”.
K.D