Nhận diện những yếu kém của các hợp tác xã để có hướng đi phù hợp

Cập nhật ngày: 16/07/2014 05:42:32

Trong xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên để hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) hiệu quả, phát triển đúng hướng, cần có giải pháp phù hợp.


Trong chuyến thăm của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa qua, đại diện
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Cường kiến nghị Chính phủ có chính sách
hỗ trợ về vốn cho các hợp tác xã­

Theo Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh hiện có 211 HTX nông nghiệp, hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại... Thời gian qua, một số HTX nông nghiệp đã tổ chức được hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất, giúp các hộ thành viên, hộ nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, đa phần các HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn về năng lực và nguồn vốn, dẫn tới quy mô của các HTX còn nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chất lượng chưa cao, thị trường chưa mở rộng...

Theo ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, những HTX yếu kém thường là do nguồn lực nội tại như vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, trình độ quản lý hạn chế, chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ hợp lý, lợi nhuận thấp, không trích lập các quỹ, cho nên không có vốn tích lũy tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Hầu hết các HTX này rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nhiều HTX gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển KTTT của Nhà nước ban hành chậm và thiếu đồng bộ nên khó thực hiện.

Ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ nông sản ở các HTX là không tìm được đối tác, “đầu ra” cho sản phẩm của mình, vì thực tế bản thân các HTX không đủ năng lực và quy mô để giao dịch với doanh nghiệp. Do đó, muốn các HTX phát triển tốt trong điều kiện hiện nay, tỉnh phải chủ động tìm những doanh nghiệp uy tín, có tâm, có tầm, tạo mối liên kết giữa HTX với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, HTX chỉ lo sản xuất, còn đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò: “HTX Bình Thành có 1.174ha với 1.900 xã viên. Trong vụ lúa đông xuân vừa qua có 4 doanh nghiệp đến bàn bạc với HTX Bình Thành ký kết hợp đồng bao tiêu lúa trên cánh đồng lớn 661ha. Thế nhưng đến “phút 89” vẫn không thực hiện được do doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do trong điều khoản hợp đồng không phù hợp. Do vậy, muốn HTX nông nghiệp yên tâm hoạt động thì cần có một “trọng tài” đứng ra phân xử, có như vậy hợp đồng mua bán sẽ chặt chẽ, các xã viên tin tưởng góp vốn nhiều thì HTX mới yên tâm sản xuất - kinh doanh được”.

Ông Phạm Tấn Tho cho biết, trên cơ sở xác định những hạn chế, yếu kém của các HTX, vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng và nâng cao chất lượng HTX, do đó năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp đã thông qua Đề án chọn 16 HTX tại 5 huyện Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình thí điểm mô hình chọn 30 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng để đào tạo về kiến thức KTTT bố trí vào làm việc một số HTX nông nghiệp. Mục đích nhằm giải quyết điểm nghẽn về nguồn nhân lực từ trước đến nay.

Theo đề án này, HTX sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để củng cố tổ chức và hoạt động theo hướng sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, trên cơ sở có cơ chế thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực như: xây dựng điều lệ HTX mới phù hợp với luật HTX sửa đổi năm 2012; đào tạo, bồi dưỡng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - công nghệ mới; tiếp cận các nguồn vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất để xây dựng trụ sở HTX (hiện tại hầu hết các HTX chưa có trụ sở làm việc)...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn