Chuyển biến mới trong sản xuất sạch hơn ở các doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 13/01/2014 13:11:11
Hiện nay, chế biến và xuất khẩu thủy sản đang là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà phải chịu sức ép khá lớn từ nhiều đối tác và cạnh tranh của các DN khác trong khu vực. Vì vậy, làm cách nào để tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường đang là mối quan tâm của các DN và sản xuất sạch hơn (SXSH) được xem là một giải pháp mà nhiều DN tỉnh ta đang hướng tới.
Máy nén lạnh trục vít MYCOM được xem là giải pháp tối ưu giúp công ty
tiết kiệm được khoản chi phí khá lớn cho hao tốn điện năng
Từ thực tế sản xuất cho thấy, các công ty hoạt động trong ngành đông lạnh và chế biến thủy sản có mức sử dụng điện năng khá lớn trong cơ cấu điện dành cho ngành công nghiệp. Vì vậy, các DN chế biến thủy sản thường phải chịu sức ép khá lớn về giá cả khi cạnh tranh trên thị trường. Do đó, hơn ai hết chính các công ty chế biến thủy sản hiểu rằng, cần phải tổ chức lại các khâu sản xuất, đầu tư nâng cấp máy móc hợp lý để tiết kiệm chi phí là phương pháp tốt nhất để công ty thủy sản có thể tồn tại và phát triển trong thời kì kinh tế suy thoái như hiện nay.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đầu tư thay đổi máy móc, dây chuyền sản xuất theo hướng SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2013 Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang (tọa lạc lô IV, khu A1, khu công nghiệp Sa Đéc, TP.Sa Đéc) đã mạnh dạn thực hiện đổi mới công nghệ với tổng kinh phí đầu tư gần 7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cho Công ty thực hiện mô hình là 100 triệu đồng.
Từ thực tế sản xuất của đơn vị, Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang xây dựng và triển khai nhiều phương án nhằm tiết kiệm điện như: lắp biến tần cho động cơ bơm nước cấp sản xuất, di dời tụ bù gần phụ tải để giảm tổn thất điện trên đường dây, lắp bộ tận dụng nhiệt gas nóng sau khi nén để gia nhiệt nước thay cho thiết bị gia nhiệt bằng điện trở; cải tạo hệ thống chiếu sáng, lắp đặt hệ thống máy nén lạnh trục vít MYCOM và băng chuyền IQF vào hệ thống lạnh trung tâm hiện có để giảm bớt công suất hoạt động của các máy nén Piston...
Theo ước tính của Công ty, với các dây chuyền mới lắp đặt này, đơn vị có thể tiết kiệm được khoảng 449.695 kwh điện năng/năm và tránh thải gần 190 tấn CO2 ra môi trường bên ngoài. Sự thay đổi này không những giúp Công ty giảm chi phí tiền điện, giảm chi phí đầu vào và tăng năng lực cạnh tranh, góp phần tăng lợi nhuận cho Công ty mà còn tạo điều kiện cho 929 công nhân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản của tỉnh nhà.
Ông Phan Nhựt Trường - Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty cho biết: “Hiện tại, trung bình Công ty chế biến khoảng 70 - 80 tấn cá nguyên liệu/ngày. Tuy nhiên trong thời gian tới, Công ty dự kiến nâng cao hiệu suất sản xuất ở từng khu công xưởng. Trong đó, đầu tư các thiết bị công nghệ cao nhằm tiết kiệm năng lượng là một trong những mục tiêu trọng tâm mà Công ty đang hướng tới. Theo quan điểm của Công ty, SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những vấn đề cốt lõi có thể giúp Công ty thành công tạo được năng lực cạnh tranh. Dự kiến thời gian tới, Công ty sẽ đào tạo thêm nguồn nhân lực có kiến thức về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm giúp Công ty tránh những tổn thất không cần thiết và tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, tạo tiền đề tăng sức cạnh tranh cho đầu ra của sản phẩm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và SXSH còn nhiều hạn chế đối với tình hình sản xuất hiện tại của nhiều công ty. Nguyên nhân do các DN chưa nắm bắt được các thiết bị công nghệ mới, chưa tin tưởng vào hiệu quả do các công nghệ thiết bị mới này mang lại để tiết kiệm nguyên nhiên liệu sử dụng và cải thiện môi trường. Khó khăn lớn nhất khiến nhiều DN vẫn còn chần chừ trong đổi mới công nghệ là do thiếu vốn.
Để hỗ trợ kinh phí cho các DN trong việc thay đổi dây chuyền máy móc theo hướng SXSH, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: “Đối với các DN có nhu cầu vay vốn để đầu tư cải tiến máy móc theo hướng SXSH, Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh có nguồn vốn hỗ trợ các DN vay với lãi suất 9%/năm để nâng cấp dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, trong thời gian tới đề nghị các DN cần rà soát tình hình sản xuất của đơn vị mình về các thiết bị cần thay mới, lập kế hoạch về thay đổi máy móc tiết kiệm năng lượng trình Trung tâm Khuyến công xem xét để được hỗ trợ”.
Mỹ Lý