Nông dân Tháp Mười trồng thơm kiểng phục vụ thị trường Tết
Cập nhật ngày: 10/01/2014 12:36:00
Anh Cao Văn Chiến ở ấp Hưng Lợi xã Thanh Mỹ cho biết, gia đình anh hiện có 2,5ha thơm kiểng trồng để bán trong dịp Tết Giáp Ngọ, đây là giống thơm Son Thái cùng họ với cây khóm. Trái thơm kiểng có màu sắc rất đẹp, đỏ như màu son và có nhiều nhánh mọc xung quanh trái nên được người dân ưa chuộng trưng trong dịp Tết để cầu may mắn.
Theo nhiều nông dân trồng thơm kiểng tại xã Thanh Mỹ, loại cây này có thời gian sinh trưởng khoảng 10 tháng. Để có thơm kiểng bán trong dịp Tết, nông dân phải trồng từ tháng 2 âm lịch, thơm kiểng rất dễ trồng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc nên chi phí đầu tư giảm. Nguyễn Văn Thiêm, người trồng thơm Son Thái xã Thanh Mỹ huyện Tháp Mười cho biết cách trồng loại cây này như sau: “Cây thơm Son Thái khi trồng xuống tưới nước là sống. Xử lý cho có trái ngay dịp Tết thì cuối tháng 8 đầu tháng 9 phải tưới khí đá. Cây này ít sâu bệnh, khi trồng chủ yếu là tưới nước, tưới dưỡng 1-2 đợt, còn nhân công rất là nhẹ, vợ chồng tôi làm khoảng 3ha, khỏi cần mướn nhân công”.
Thơm kiểng là loại cây trồng mới ở xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả nên diện tích trồng thơm kiểng năm 2013 trên địa bàn xã tăng hơn 2ha so với năm 2012. Hiện toàn xã Thanh Mỹ có khoảng 7ha diện tích được nông dân trồng cây thơm kiểng phục vụ thị trường Tết Giáp Ngọ 2014, diện tích trồng thơm kiểng của các hộ dân đang phát triển tốt, tùy vào mật độ trồng của từng hộ mà mỗi công có từ 2.500 - 3.000 trái. Thị trường tiêu thụ của loại cây này cũng rất rộng, thương lái ở các nơi đến tận ruộng đặt mua và mang đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước. Thời điểm này, thương lái đã đến đặt mua thơm Son Thái loại 1 với giá 15.500 đồng/trái, loại 2 là 5.500 đồng/trái. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời từ 10 - 13 triệu đồng/công nên nông dân rất phấn khởi.
Bên cạnh việc bán trái phục vụ dịp Tết thì ra giêng nông dân còn có thêm thu nhập từ việc bán cây giống cho bà con trong vùng và các vùng lân cận với giá 4.000 đồng/cây. Kết quả trên cho thấy việc chuyển đổi trồng thơm kiểng không chỉ giúp người nông dân nâng cao thu nhập trong dịp Tết mà còn góp phần làm đẹp thêm mâm ngũ quả ngày Tết của mọi nhà.
Nguyễn Thu