Cần những giải pháp hỗ trợ về giá cho nghề bột

Cập nhật ngày: 06/01/2014 04:52:07

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, các hộ sản xuất bột tại xã Tân Phú Đông (TP.Sa Đéc) và Tân Phú Trung (huyện Châu Thành) lại tất bật chuẩn bị sản phẩm cung ứng cho thị trường. Năm nay, mặc dù đã chuẩn bị khá chu đáo để sản xuất phục vụ tết nhưng theo nhận định của nhiều hộ làm bột, thị trường bột tết không đắt hàng như mọi năm, thậm chí người làm bột rơi vào tình trạng thua lỗ. Bên cạnh đó, số người tham gia sản xuất bột giảm dần, việc giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống càng khó khăn.


Người dân làm bột vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Với lợi thế nằm trong vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, Sa Đéc và Châu Thành có hơn 70 doanh nghiệp lau bóng gạo nên nguồn nguyên liệu khá dồi dào, đủ sức cung ứng sản lượng bột lớn cho thị trường. Những năm gần đây, nghề làm bột không mang lợi nhuận cao mà chủ yếu thu lợi từ phế phẩm của bột để chăn nuôi heo. Tuy vậy, giá nguyên liệu cao hơn giá sản phẩm khiến nhiều gia đình gặp khó khăn nên không ít người đã bỏ nghề. Trước đây, tại 2 xã Tân Phú Đông và Tân Phú Trung có khoảng 2.000 hộ tham gia sản xuất bột nhưng nay con số này chỉ còn hơn 800 hộ.

Bà Trương Bạch Mai ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho biết, mỗi ngày cơ sở của bà sử dụng khoảng 300kg tấm để sản xuất khoảng 150kg bột khô. Với giá tấm từ 8.400 - 8.500 đồng/kg và giá bột khô hiện tại thương lái thu mua khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg, tính ra vẫn không có lời. Bà Mai chia sẻ: “Năm nay nhu cầu bột tết không hút hàng như mọi năm, giá cả lại tụt giảm nên số lượng sản xuất vẫn như ngày thường và chủ yếu là sản xuất cầm chừng không gia tăng số lượng. Tình hình giá cả thị trường đang biến động theo hướng bất lợi cho người sản xuất, nên người sản xuất bột gặp thua lỗ do sự chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Năm - chủ cơ sở làm bột ở ấp Tân Thuận, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành bộc bạch: “Nghề làm bột trước đây lợi nhuận cao do nguyên liệu rẻ, bây giờ thì thường xuyên bị lỗ. Vì thế gia đình tôi chủ yếu thu lãi từ việc nuôi heo. Hồi trước làm bột rất cực còn bây giờ kỹ thuật, thiết bị làm bột được cải tiến, vo tấm, xay tấm, đánh bột, bơm bột và nước lên hồ lắng đều bằng máy. Mỗi ngày, gia đình tôi làm ít nhất cũng 250kg tấm, được hơn 150kg bột tươi hoặc 100kg bột khô, nhưng với giá bột trên thị trường hiện nay thì không có lời”. Anh Năm nói thêm: “Làm bột huề vốn là tốt lắm rồi, nhiều khi giá tấm “nhảy” theo giá gạo thì còn lỗ. Gia đình làm bột nào cũng sống nhờ nuôi heo. Cứ ba, bốn tháng lại bán một lứa heo thì có tiền sắm sửa, để dành. Biết tằn tiện thì đeo hoài cũng có ngày khá giả”.

Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng nhu cầu bột trên thị trường vẫn không tăng, giá bột khô, tươi vẫn thấp hơn khoảng 500 - 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng các hộ làm bột không thể ngừng sản xuất được bởi nghề làm bột gắn với việc nuôi heo, vì thế họ phải chấp nhận chịu lỗ để lấy phụ phẩm nuôi heo. Hiện tại, các hộ làm bột chủ yếu trông chờ vào đàn heo, nếu giá heo tăng lên thì có thể bù lỗ cho nghề bột, còn giá heo giảm thì xem như lỗ nặng.

Điều trăn trở nhất của những người dân làm bột là các ngành chức năng cần cân bằng giá nguyên liệu tấm với giá bột, ổn định thị trường cho người chăn nuôi heo, có như vậy mới tạo động lực để nghề bột phát triển.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn