Suy nghĩ từ những định hướng xây dựng thành phố hoa Sa Đéc

Cập nhật ngày: 01/01/2014 09:43:41

Sa Đéc trong tâm thức của nhiều thế hệ người Việt ở Nam bộ, đó là xứ sở hiền hòa bên bờ sông Tiền, cây lành, trái ngọt sum suê, phố thị tấp nập “trên bến dưới thuyền”... nhưng điều cảm nhận sâu sắc nhất, lắng đọng nhất và cũng đẹp đẽ nhất đối với tất cả mọi người từ trước đến nay là Sa Đéc - “Vườn hoa của xứ Nam Kỳ”.


Hoa Xuân Sa Đéc

Người Pháp đã tán tụng nơi đây là “Le jardin de la Conchinchine”. Được mệnh danh như vậy, Sa Đéc đã không ngừng vun đắp để được như hôm nay, chẳng những vậy mà còn tiếp tục phát triển nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa để xứng đáng là “Thành phố hoa” ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ngày 14/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 113/NQ-CP, thành lập thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. Đây là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của khu vực và cả nước; đồng thời tạo thế và lực để Sa Đéc vươn xa, vươn cao về mọi mặt, kết nối với thành phố Cao Lãnh để có một diện mạo mới cho tỉnh nhà khi nối liền 2 thành phố của Đồng Tháp là một con đường hoa dài hơn 20km từ Tân Qui Đông, Tân Khánh Đông (Sa Đéc) Tân Khánh Trung, Tân Mỹ (Lấp Vò) qua cầu Cao Lãnh...

Đảng bộ và chính quyền địa phương đã ý thức rõ vấn đề nên đã có “Đề án xây dựng thành phố Hoa Sa Đéc”. Ngày 20/10/2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo phát triển làng hoa Sa Đéc gắn với định hướng xây dựng thành phố hoa Sa Đéc. Tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học đã có nhiều luận chứng sinh động, thuyết phục để định hướng phát triển hoa kiểng Sa Đéc đến năm 2020.

Đồng hành với sự phát triển chung của đô thị Sa Đéc trong những năm qua, sản xuất hoa kiểng ở đây đã không ngừng tăng trưởng, tạo được những lợi thế cạnh tranh, khơi dậy những tiềm năng của cư dân Sa Đéc, khai thác lợi thế thiên nhiên, khoa học kỹ thuật... góp phần thúc đẩy phát triển hoa kiểng Sa Đéc tăng nhanh về qui mô, trình độ và giá trị sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp của địa phương, tạo nhiều việc làm cho nông dân trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; làm đẹp cảnh quan và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Sa Đéc. Để tiếp tục phát huy lợi thế và hiệu quả từ hoa kiểng, thực hiện chủ trương xây dựng thành phố Hoa Sa Đéc nên chăng cần làm những việc trọng tâm như:


Giỏ hoa Sa Đéc lớn nhất nước

Tổ chức lại sản xuất hoa kiểng theo hướng liên kết nhà vườn, vai trò nòng cốt thực hiện là Hội Sinh vật cảnh, Hợp tác xã hoa kiểng để làm cầu nối, tổ chức, tập hợp, qui tụ tạo nên sức mạnh để thúc đẩy sản xuất theo hướng qui mô, tập trung, chuyên môn hóa từng chủng loại hoa kiểng. Gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông. Thành lập cơ quan nghiên cứu, sản xuất giống mới hoa kiểng, thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, lai tạo giống để cung ứng giống mới hoa kiểng cho người sản xuất.

Mở rộng liên kết nghiên cứu và sản xuất hoa kiểng trong nước, ngoài nước thông qua các mối quan hệ mở rộng, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, quảng bá thương hiệu hoa Sa Đéc. Xây dựng các trung tâm, cơ sở sơ chế, bảo quản, đóng gói và dịch vụ phục vụ sản xuất hoa kiểng (các thiết bị có liên quan trong sản xuất, bảo quản, tiêu thụ, chăm sóc...).

Xây dựng và mở rộng các khu trưng bày hoa kiểng, tổ chức các phiên chợ định kỳ; các hội chợ triển lãm, giới thiệu; xây dựng đường hoa, phố hoa, festival hoa, tạo ấn tượng cho du khách về hoa Sa Đéc.

Có các quyết sách động viên, khuyến khích người trồng hoa kiểng; quan tâm, tập hợp, tập huấn, đào tạo đội ngũ này có kiến thức mang tính chuyên nghiệp; chú ý phổ cập ngoại ngữ, thông tin thị trường, tư vấn thẩm mỹ, định hướng phát triển hoa kiểng...

Chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch để đẩy mạnh phát triển sản xuất hoa kiểng. Xây dựng các bến tàu, cầu cảng để phát triển du lịch, xây dựng mô hình làng hoa kiểng mang tính đặc trưng cho từng địa bàn sản xuất mang đậm bản sắc văn hóa của hoa kiểng Sa Đéc.

Cần có một cơ quan quản lý (là đơn vị sự nghiệp) để phối hợp, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn trong việc thực hiện liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch lữ hành, dừng chân, tham quan, nghỉ dưỡng ở làng hoa với các tiện nghi phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; gắn kết với các loại hình du lịch khác.

Tổ chức trao đổi, mạn đàm, tập huấn cho nông dân có ý thức về du lịch; xây dựng họ là những hướng dẫn viên du lịch bán chuyên nghiệp để quảng bá về vùng đất - con người Sa Đéc. Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân làng hoa, giúp họ ngày càng yêu mến, gắn bó làng hoa, tiến tới xã hội hóa du lịch; trong đó, cần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng thành phố.

Một đô thị đã hình thành và phát triển gần 300 năm, đô thị đó đã để lại trong lịch sử Nam bộ những mốc son ngời sáng, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong tâm thức công chúng gần xa; đô thị đó đã có những “làng nghề truyền thống” đi qua mấy thế kỷ, thăng trầm với những biến đổi của thời cuộc và đã góp phần không nhỏ cho tiến trình phát triển của một cùng đất trù phú, mến yêu với những sắc hoa màu lá: Đô thị Sa Đéc, ngày nay là thành phố Sa Đéc và đang phấn đấu vững vàng, bền bỉ để trở thành Thành phố hoa của cả nước.

Nhất Thống

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn