Nghiệm thu thông qua đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 29/12/2013 12:14:46

Sáng 28/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện chính sách và chiến lược tổ chức hội nghị thẩm định, nghiệm thu Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan đã tham dự.

Tại hội nghị, cùng với phần phản biện của Phó GS-TS Mai Văn Nam, Trưởng khoa sau đại học, trường Đại học Cần Thơ, tiến sĩ Nguyễn Văn Đúng – Chủ tịch các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp và đóng góp phản biện bằng văn bản của GS-TS Võ Tòng Xuân. Nhiều ý kiến của các sở ngành liên quan cũng đề nghị ban soạn thảo cần xem xét đánh giá lại hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; làm rõ nguyên tắc chung để tiến tới tái cơ cấu từng ngành hàng; phân tích chuỗi giá trị từng ngành hàng. Bên cạnh đó, cần đa dạng thêm một số mô hình liên kết, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó chú ý mô hình kinh tế hộ; xây dựng kế hoạch huy động vốn, có đề xuất, kiến nghị đến Trung ương chính sách tín dụng, đào tạo và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong từng ngành hàng. Đặc biệt, về tổ chức thực hiện cần phân kỳ, sắp xếp công việc 3 giai đoạn sao cho phù hợp.


Đại biểu đóng góp ý kiến cho Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp

Cố vấn đề án, Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân cho rằng, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ mới là đề án khung, nhiều nội dung trong đó vẫn còn được bổ sung hoàn chỉnh bằng các đề án con mới đi đến tổ chức thực hiện. Sau buổi thẩm định này, Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân đề nghị tổ soạn thảo tiếp tục bổ sung phần đánh giá thực trạng nông nghiệp tỉnh, bố cục lại các giai đoạn thực hiện, làm rõ hơn nội dung mô hình liên kết, liên kết ngành, vấn đề đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương lớn, lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 còn dài, vì vậy cần xác định đây là một đề án mở để có lộ trình, bước đi theo hướng bổ sung, hoàn chỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý ban soạn thảo làm rõ hơn nội dung những nguyên tắc chung khi thực hiện tái cơ cấu, nêu rõ tính đặc thù thích hợp của đề án khi thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là phải nêu rõ được cốt lõi của việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chính là hợp tác và liên kết.

Qua ý kiến phản biện, góp ý của các thành viên Hội đồng, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Thanh Hùng đã thống nhất nghiệm thu Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh lại  Đề án theo các nội dung đã góp ý. Thời gian hoàn chỉnh trước ngày 03/01/2014.

Mỹ nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn