Những bất cập trong quảng bá quýt hồng ở Lai Vung
Cập nhật ngày: 27/12/2013 06:45:37
Tháng 8/2012, Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng Lai Vung theo hướng GAP, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã được Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP trong thời hạn 1 năm. Từ đó, góp phần nâng cao thương hiệu cho loại trái cây vốn là đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, việc quảng bá và nâng cao giá trị cho trái quýt hồng Lai Vung vẫn còn nhiều bất cập.
Từ khi xây dựng đến nay, Nhà sơ chế quýt hồng Lai Vung
vẫn chưa được sử dụng
Nhà sơ chế bỏ hoang
Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng Lai Vung theo hướng GAP ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu được thành lập từ đầu năm 2008, gồm 11 tổ viên có diện tích 3,57ha. Đến năm 2011, Tổ phát triển được 13 tổ viên với diện tích 4,57ha. Đến cuối năm 2011, Tổ đã đạt một số tiêu chuẩn về yêu cầu sản xuất theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, để đạt chứng nhận VietGAP, theo yêu cầu của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch bắt buộc Tổ Liên kết phải có Nhà sơ chế và đóng gói sản phẩm quýt hồng (gọi tắt là Nhà sơ chế quýt hồng).
Nhà sơ chế quýt hồng được huyện Lai Vung nhanh chóng xây dựng hoàn thành trong tháng 3/2012, có tổng diện tích 200m2 với tổng vốn đầu tư 280 triệu đồng (từ nguồn vốn hỗ trợ của Sở NN&PTNT và của huyện). Đến tháng 8/2012, Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng Lai Vung theo hướng GAP được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong sự hân hoan của cán bộ lãnh đạo và người dân huyện Lai Vung. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, từ khi Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng Lai Vung được cấp giấy chứng nhận đến nay, Nhà sơ chế quýt hồng vốn đã được trang bị đầy đủ các dụng cụ để vệ sinh trái quýt, phân loại và đóng gói trái trước khi đưa đi tiêu thụ,... chưa một lần được sử dụng đúng chức năng.
Các trang bị trang thiết bị dùng để sơ chế bị bỏ không
Anh T. - thành viên của Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng Lai Vung cho biết: “Nhà sơ chế nằm ở vị trí không thuận lợi nên ít có ai mang quýt vào sơ chế, phân loại. Trái quýt hồng nếu nhúng nước rửa sẽ dễ bị rụng cuốn, dễ bị thối trái và làm mất giá trị sản phẩm”.
Theo sự hướng dẫn của anh T., chúng tôi tìm đến Nhà sơ chế quýt hồng ở ấp Long Hưng 1, đó là căn nhà tiền chế bề thế, “cửa đóng then cài” không một bóng người, nằm lẫn khuất sau lưng của nhà dân. Nhiều dụng cụ dùng để sơ chế và đóng gói quýt hồng như bồn inox, bàn phân loại quýt, thúng đựng quýt phủ một lớp bụi dầy. Ở một góc Nhà sơ chế quýt hồng có mấy chiếc xe gắn máy của ai đó dựng tạm.
Bà Nguyễn Thị Hai (80 tuổi) nhà ở cạnh Nhà sơ chế quýt hồng nói: “Mấy ổng mượn đất thằng Dũng cháu tôi nói là xây dựng nhà để chế biến quýt nhưng từ khi xây xong đến nay tôi thấy có hoạt động ngày nào đâu. Nhà lớn bỏ không thấy uổng quá nên mấy đứa cháu nó đem xe vào để”.
Nhiều người dân địa phương khi thấy Nhà sơ chế quýt xây xong không phát huy tác dụng đã lắc đầu ngao ngán.
Nhà vườn ngại dán nhãn sản phẩm
Cùng với việc lãng phí ở công trình Nhà sơ chế quýt hồng, việc dán nhãn để quảng bá trái quýt hồng của huyện Lai Vung cũng đang có nhiều bất cập sau quá trình thực hiện.
Cần khắc phục những khó khăn để nâng cao giá trị cho trái quýt hồng Lai Vung
Huyện Lai Vung triển khai dán nhãn trên trái quýt hồng từ vụ quýt Tết Nguyên Đán năm 2013. Để thực hiện, Phòng NN và PTNT huyện cung cấp nhãn cho một số nhà vườn (chủ yếu thành viên Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng) dán vào trái quýt trước khi vận chuyển đi tiêu thụ. Tuy nhiên, do số lượng có hạn nên việc cung cấp nhãn dán rất hạn chế. Bên cạnh đó, các nhà vườn cũng rất ngán ngại thực hiện dán nhãn trên trái quýt hồng, do thu hoạch số lượng nhiều, không có đủ người và đủ thời gian dán nhãn trên từng trái quýt.
Anh Nguyễn Hữu Khiêm ở xã Long Hậu nói: “Năm rồi tôi được huyện hỗ trợ số lượng nhãn dán cho khoảng 2 tấn quýt. Tuy nhiên, không thực hiện được, chỉ dán nhãn 500kg quýt nhưng 6 người dán mất hết cả buổi sáng. Thấy cực quá nên thôi”.
Bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng muốn đạt chứng nhận VietGAP bắt buộc cần phải có Nhà sơ chế và đóng gói quýt hồng. Vì vậy, tỉnh và huyện mới đầu tư kinh phí xây dựng. Nhưng với trái quýt hồng không thể hái xong rồi mang đến Nhà sơ chế rửa như các loại trái cây khác được.Tết năm nay huyện có hướng sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân dán nhãn cho trái quýt, ngoài dán trên trái quýt, địa phương triển khai dán trên các thùng quýt để quảng bá thương hiệu”.
Quýt hồng là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập và cuộc sống sung túc cho nhiều hộ dân huyện Lai Vung. Do đó, dù còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng huyện Lai Vung đang cố gắng khắc phục những hạn chế để quảng bá sản phẩm quýt hồng của địa phương. Tới đây, huyện sẽ thành lập Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung nhằm giải quyết tốt vấn đề đầu ra và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Địa phương cũng đang tích cực hỗ trợ để Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng theo hướng GAP của huyện tiếp tục đạt chứng nhận VietGAP trong năm 2014.
PT