Huyện Cao Lãnh

Liên kết sản xuất là hướng đi cần thiết

Cập nhật ngày: 25/12/2013 02:32:52

Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cao Lãnh biết tận dụng khai thác tiềm năng sẵn có, góp phần từng bước nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để sản xuất mang tính bền vững, huyện xác định liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ chính là hướng đi cần thiết...


Cá điêu hồng - sản phẩm thế mạnh của địa phương

Trong năm 2013, mặc dù trải qua những khó khăn nhất định nhưng ngành nông nghiệp của huyện vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích, sản lượng lúa, cây ăn trái, thủy sản tổng đàn gia cầm... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Theo đó, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt gần 92.000ha, sản lượng trên 580 ngàn tấn, đạt 122% kế hoạch, tăng 110 ngàn tấn so với năm 2012. Đối với cây ăn trái, một trong những nông sản thế mạnh của địa phương, ước tính cuối năm với diện tích 5.300ha, sản lượng cả năm đạt trên 80 ngàn tấn. Trong đó, sản lượng xoài đạt trên 34 ngàn tấn; cây có múi là 26 ngàn tấn...

Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua là thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Những năm gần đây, tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn sản xuất nông nghiệp huyện vẫn còn nhỏ lẻ, không tập trung. Trong năm 2013, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân tham gia liên kết sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bước đầu thực hiện được 1.500ha. Trong đó, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm được trên 900ha ở các xã: Gáo Giồng, Phương Thịnh, Tân Nghĩa, Phong Mỹ và Mỹ Thọ.

Ông Dương Hồng Lạc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Việc duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu, giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm và cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất ở nông thôn”.

Ông Võ Văn Hiền - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 26/3 cho hay: “Trong năm 2013, HTX có hợp đồng sản xuất với Công ty Lương thực Tân Hồng, mặc dù kết quả chưa thật sự như mong đợi nhưng đã mang lại luồng gió mới. Nhận thấy điều tất yếu phải tiến tới liên kết, vụ đông xuân năm 2014, HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên với diện tích 165ha, với giá bán ký kết cao hơn thị trường 250-300 đồng/kg, người nông dân phấn khởi và họ biết chắc chắn rằng sản phẩm nông sản của mình được thiêu thụ. Nếu đạt kết quả tốt trong liên kết, HTX sẽ tiến đến liên kết hết diện tích 520ha”.

Hòa mình vào dòng chảy tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh

“Thế mạnh của huyện là phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lúa, cây ăn trái và thủy sản. Để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, huyện tăng cường củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX gắn với xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa và tìm kiếm thị trường thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời thành lập mới các HTX có đủ điều kiện để làm cầu nối hợp đồng liên kết sản xuất giữa các xã viên với các doanh nghiệp.” - ông Dương Hồng Lạc chia sẻ.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là thực hiện xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ, sử dụng từ 1 đến 2 giống lúa chất lượng cao trên cùng một khu vực đê bao nhằm tạo nguồn nguyên liệu đồng nhất, đạt chất lượng cung cấp cho các doanh nghiệp bao tiêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ là điều kiện cần, còn để thành công trên cánh đồng liên kết phải có “điều kiện đủ” là tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, có doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 24 HTX và 221 tổ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình hoạt động của kinh tế tập thể của huyện vẫn chưa đáp ứng tinh thần của HTX kiểu mới.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh thực hiện mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm, huyện Cao Lãnh đã đẩy mạnh công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, đồng thời thành lập mới HTX có đủ điều kiện. Trong năm 2013, đã thành lập mới được 6 HTX gắn với triển khai thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối vối sản phẩm thế mạnh của địa phương như “Chanh Cao Lãnh”, “Cá điêu hồng Bình Thạnh”.

Ông Dương Hồng Lạc thông tin: “Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục rà soát, phân loại HTX hiện có, có kế hoạch củng cố và kiện toàn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp HTX, chú ý đến nhân tố con người, đặc biệt là Ban Quản trị, Ban Chủ nhiệm HTX. Ngoài ra, phát triển HTX gắn với chủ trương thực hiện liên kết trong sản xuất đối với những giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện như lúa, cá điêu hồng, tôm càng xanh, trái cây (xoài, chanh, ổi). Đặc biệt, chú ý phát triển ở các xã điểm nông thôn mới; phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tỉnh mở các lớp đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và Ban Quản trị HTX, tổ hợp tác”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn