Huyện Tân Hồng
Chú trọng sản xuất bền vững vụ đông xuân 2013-2014
Cập nhật ngày: 30/12/2013 06:12:55
Đông xuân là vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm, nhưng những năm gần đây lúa vụ này thường gặp một số khó khăn, nhất là rầy nâu gây hại vào thời điểm lúa đang trong giai đoạn làm đòng và sắp cho thu hoạch. Vì vậy, để vụ lúa đông xuân 2013-2014 thành công, ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng xác định cần phải làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh gây hại...
Nông dân huyện Tân Hồng xuống giống hơn 21.500ha vụ
đông xuân 2013-2014
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2013-2014, huyện Tân Hồng xuống giống hơn 21.500ha, tăng hơn so với vụ đông xuân 2012-2013, đạt 100% diện tích toàn vùng. Các xã có diện tích sản xuất nhiều là Tân Công Chí, Tân Phước, Bình Phú. Đến thời điểm hiện tại, nông dân huyện Tân Hồng xuống giống hoàn tất 100% diện tích. Hiện nay, các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, để đảm bảo an toàn cho việc xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, ngành nông nghiệp căn cứ vào diễn biến rầy nâu, kết hợp với lịch thời vụ của Sở NN&PTNT khuyến cáo để đảm bảo kịp lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2013-2014 và hạn chế chi phí bơm tát ngập úng đầu vụ. Theo đó, lịch xuống giống được chia làm 3 đợt: đợt 1 từ ngày 20/10; đợt 2 từ ngày 20/11-30/11; đợt 3 từ ngày 20/12-30/12. Song song đó, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân khi xuống giống cần tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng, không để cùng một cách đồng có nhiều trà lúa khác nhau.
Việc xây dựng cơ cấu giống lúa cho vụ đông xuân 2013-2014 đảm bảo đúng yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh và phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp huyện đã hướng nông dân sử dụng các loại giống chủ lực, kháng sâu bệnh cho năng suất cao, chất lượng tốt như: jasmine 85, OM 4218, OM 7347, OM 5451, OM 4900, AGPPS... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân thực hiện tốt khâu làm đất, có biện pháp chủ động bảo vệ sản xuất và tăng cường chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Chi Lăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng cho biết: Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân làm vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ sớm, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất lúa đông xuân. Đồng thời hướng người dân gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ và đồng loạt, chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng. Nắm chặt tình hình diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống thiên tai, dịch hại.
Trong vụ lúa đông xuân 2013-2014, huyện Tân Hồng tiếp tục nhân rộng việc liên kết tiêu thụ lúa được thực hiện với 2 công ty: Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng (2.195ha), Công ty cổ phần Docimexco (746ha). Trong đó, việc liên kết tiêu thụ phía Công ty cổ phần Docimexco được ký kết với 7 hợp tác xã nông nghiệp trên toàn huyện. Về phía Công ty TNHH MTV Lương thực Tân Hồng, ngoài việc bao tiêu sản phẩm cuối vụ, Công ty sẽ cung ứng giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng: Để duy trì và phát triển các mô hình liên kết, ngành nông nghiệp huyện đã làm tốt công tác tổ chức, nâng cao vai trò của Ban điều hành cánh đồng, gắn với quyền lợi nghĩa vụ của từng người dân và sự chung tay của các doanh nghiệp để các bên cùng có lợi. Những nơi chưa triển khai được các mô hình liên kết tiêu thụ, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn người dân sản xuất tập trung đồng loạt theo vùng có ô đê bao khép kín, phổ biến kỹ thuật đồng bộ, hình thành các tổ nhân giống... Qua đó, từng bước củng cố phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cho việc hình thành các mô hình liên kết từng bước phủ kín ở những nơi có điều kiện.
Theo ông Nguyễn Chi Lăng, để đảm bảo cho nông dân sản suất vụ đông xuân đạt năng suất khả quan, ngành nông nghiệp huyện chú trọng vào việc quan tâm tổ chức tốt sản xuất, trong đó chú ý triển khai sớm các kế hoạch sản xuất đến bà con nông dân; tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đối với những nơi còn hạn chế trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhằm tạo sự đồng đều về năng suất, chất lượng sản phẩm giữa các vùng và hộ sản xuất.
Nhật Khánh