Người cán bộ nông nghiệp tận tụy
Cập nhật ngày: 08/01/2014 05:40:03
Những ngày này cũng như nhiều địa phương khác, bà con nông dân xã Tân Hòa, huyện Lai Vung đang tất bật với công việc đồng áng, chăm sóc rau màu vụ đông xuân. Nét đặc biệt của cánh đồng màu ở đây là có nhiều diện tích chuyên canh phục vụ theo yêu cầu bao tiêu để xuất khẩu của các doanh nghiệp. Từ vài héc ta lúc ban đầu, đến nay cánh đồng màu xã Tân Hòa đã mở rộng được gần 100ha và vẫn đang tiếp tục phát triển. Tất cả quá trình này gắn liền với vai trò của ông Nguyễn Viết Dều - người cán bộ nông nghiệp tâm huyết với nông dân.
Đây là thời điểm mà các diện tích trồng dưa lê trên cánh đồng màu ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa đang bước vào giai đoạn lảy đọt, treo trái. Sau công đoạn này, quy trình sản xuất đã đạt đến 80%, chỉ chờ khoảng rằm tháng Chạp là thu hoạch. Do toàn bộ diện tích 30ha dưa lê ở đây đều được doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu, nên việc canh tác đòi hỏi bà con nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo cho ra sản phẩm đúng kích cỡ, màu sắc và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy hàng năm thời điểm này, ông Nguyễn Viết Dều trở nên bận rộn nhất.
Anh Phan Trung Mến ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa chia sẻ: Chú Sáu tận tình lắm, nếu có nông dân nhờ chỉ thuốc phòng trị các loại sâu bệnh gây hại hoa màu thì chú xuống ruộng quan sát, kiểm tra và hướng dẫn cho bà con cách phòng trị, đồng thời cầm tay chỉ việc để bà con biết cách xử lý. Cứ ba bốn bữa là chú Sáu ghé thăm hỏi tình hình sản xuất của bà con để hướng dẫn về kỹ thuật trồng.
Chú Sáu hay anh Sáu là cách nông dân Tân Hòa gọi ông Nguyễn Viết Dều - Phó Ban nông nghiệp xã. Có lẽ do trước đó ông Dều từng là giáo viên, rồi là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã nên ông có cách tiếp cận, tư vấn kỹ thuật cho nông dân rất dễ hiểu, dễ làm. Các hộ trồng dưa lê ở đây có hộ đã có thâm niên, có hộ mới tham gia 1 - 2 mùa vụ, nhưng ai cũng tự giới thiệu mình là đệ tử, là học trò của chú Sáu Dều. Đây có thể coi là một sự tín nhiệm mà không phải bất kỳ một cán bộ sản xuất, thậm chí là chuyên gia nông nghiệp nào cũng có được.
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Đồng chí Dều là người có công lớn đối với cánh đồng màu xã Tân Hòa. Đồng chí làm tham mưu rất tốt trong việc chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao và còn có công lớn trong việc hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất.
Ông Nguyễn Viết Dều công tác trong Ban Nông nghiệp xã từ năm 2007, khi đó cánh đồng màu xã Tân Hòa mới chớm hình thành với một số mô hình tự phát như: trồng bắp, trồng mè. Còn hiện tại, cánh đồng rộng 170ha đã có gần 100ha chuyên canh rau màu, trong đó có khoảng 50ha chuyên trồng các loại rau màu xuất khẩu, có doanh nghiệp bao tiêu hẳn hoi như đậu bắp Nhật, bắp ngọt, dưa lê. Tất cả đều xuất phát từ ông Sáu Dều tự thân đi học hỏi kỹ thuật canh tác, tự trồng thử nghiệm trên đất nhà rồi vận động, hướng dẫn bà con làm theo, rồi lại tự mình tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu.
5 năm gầy dựng cánh đồng màu, đó là khoảng thời gian ông Nguyễn Viết Dều cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến nhiều hộ nghèo trở nên khấm khá nhờ tham gia các mô hình trồng rau màu có bao tiêu. Nhiều hộ không có đất, hoặc có chỉ 1 - 2 công ruộng, giờ cũng đạt được danh hiệu nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi, nhờ mạnh dạn thuê đất làm theo mô hình của ông Sáu Dều. Ông Lê Văn Tho ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa cho biết: Mấy năm gần đây tôi cũng trồng màu nhưng cứ thất bại hoài vì đầu ra không ổn định. Cứ trúng mùa thì rớt giá, trúng giá thì thất mùa, riết rồi nợ nần vay mượn nhiều mà không có cách nào trả nổi. Từ khi anh Sáu Dều chỉ dẫn tôi vô mô hình trồng dưa lê có bao tiêu sản phẩm thì hai năm trở lại đây, tôi làm ăn khấm khá hơn và đã trả được nợ nần, nhà cửa có tiện nghi đầy đủ.
Có cùng đi ra đồng với ông Sáu Dều, chứng kiến cảnh nông dân tay bắt mặt mừng, trìu mến chuyện trò, hỏi han mới thấy hết tình cảm của bà con. Có tận mắt nhìn thấy cánh đồng màu xanh ngút ngát, thấy cảnh nông dân vừa tất bật, vừa phấn khởi chăm sóc vụ rau màu Tết ở xã Tân Hòa, người ta mới thấy hết vai trò ý nghĩa của người cán bộ nông nghiệp xã. Nhưng quan trọng nhất, là nếu có thật nhiều những cán bộ nông nghiệp tận tụy như ông Nguyễn Viết Dều thì chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm gặt hái được thành công.
Nguyên Hãn