Nông dân cần thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 08/01/2014 12:46:49

Năm 2013, thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) của tỉnh, Ban chỉ đạo BHNN tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo cấp huyện tích cực triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về chương trình thí điểm BHNN, góp phần nâng cao nhận thức của các đối tượng tham gia, thấy được sự cần thiết và lợi ích khi tham gia BHNN, qua đó đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


Người sản xuất lúa được hưởng bảo hiểm nông nghiệp

Việc kiểm tra, giám sát định kỳ theo từng vụ việc thực hiện thí điểm tại các địa phương, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm BHNN về công tác bồi thường thiệt hại cho các hộ dân tham gia bảo hiểm, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Công ty Bảo Việt và các ngành liên quan thực hiện tốt. Trong năm, có 7.311 lượt hộ tham gia thí điểm, với tổng diện tích 5.450,54ha (tăng 1.950 ha so với năm 2012), với tổng số phí bảo hiểm là 4.652.638.480 đồng. Tổng số tiền Công ty Bảo Việt Đồng Tháp tổ chức bồi thường cho nông dân tại 2 huyện Tân Hồng và Tháp Mười là 1.303.401.904 đồng, nguyên nhân do sụt giảm năng suất và ngập úng đầu vụ.

Qua quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo BHNN các huyện tích cực tuyên truyền vận động các đối tượng tham gia, một số cán bộ, đảng viên gương mẫu tham gia bảo hiểm để làm cơ sở tuyên truyền nhân rộng trong nông dân; làm tốt công tác phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát việc ký kết hợp đồng và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Phương thức giải quyết bồi thường BHNN cho các hộ dân thiệt hại được cải thiện, thủ tục giải quyết bồi thường nhanh chóng và hợp lý hơn. Mô hình “Doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp tham gia thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm” đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Tỷ lệ hộ nông dân bình thường tham gia bảo hiểm rất thấp, chủ yếu vẫn là các hộ nghèo và cận nghèo tham gia. Việc giải quyết bồi thường vẫn còn thực hiện chưa kịp thời, làm ảnh hưởng đến lòng tin nên các hộ nông dân e ngại khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Cụ thể, khi bồi thường sụt giảm năng suất, nông dân bị thiệt hại phải chờ thu hoạch lúa xong, các đơn vị chức năng điều tra, công bố năng suất bình quân của địa phương thì Công ty Bảo hiểm mới tính toán để bồi thường cho nông dân. Tình hình thời tiết, lũ lụt, dịch bệnh trên cây lúa trong những năm qua không gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp nên nông dân còn chủ quan và e ngại khi tham gia BHNN. Đây là chương trình còn mới, trình độ nhận thức một số cán bộ cơ sở còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động chưa thật sự đi vào chiều sâu, kết quả chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình này trong thời gian tới, cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cần có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng. Làm tốt việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm BHNN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm ngăn chặn, phòng chống việc trục lợi bảo hiểm tại các địa phương. Công tác kiểm tra, xác nhận và giải quyết bồi thường của doanh nghiệp cho nông dân tham gia bảo hiểm cần nhanh chóng và kịp thời hơn. Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chính quyền địa phương trong việc công bố, xác nhận thiên tai, dịch bệnh và việc giải quyết bồi thường khi phát sinh.

Để chương trình thí điểm BHNN thực sự đi vào cuộc sống, nhằm làm thay đổi nhận thức của người nông dân, tự giác tham gia bảo hiểm trong quá trình sản xuất nông nghiệp thì phương thức công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò quan trọng. Một khi người nông dân thấy được những lợi ích và hiệu quả thiết thực trong việc mua bảo hiểm để bảo vệ mùa màng của họ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì việc thực hiện chương trình BHNN mới thành công.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn