Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Cần nhiều giải pháp

Cập nhật ngày: 28/10/2013 04:57:54

Thời gian qua, diện tích lúa của Việt Nam, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long gia tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá lúa luôn bấp bênh và phụ thuộc chủ yếu vào thị trường nước ngoài thông qua xuất khẩu, trong khi thị trường lúa gạo đang có sự cạnh tranh gay gắt thì những nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn gia súc và dầu thực vật lại thiếu hụt trầm trọng. Nghịch lý này đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả cho người sản xuất.


Mè là một trong 4 loại cây trồng chuyển đổi có hiệu quả tại Đồng Tháp

PGS.TS Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng năm Việt Nam phải nhập khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600 nghìn tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác, tổng ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu ước đạt gần 3 tỷ USD, tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được phát động khá rầm rộ trong thời gian qua nhưng việc thực hiện còn khá nhiều bất cập. Đầu tiên phải kể đến một số loại cây trồng chưa thể hiện ưu thế so với trồng lúa, chưa có nguồn tiêu thụ ổn định. Đặc điểm nổi bật của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là tiếp cận và thích ứng nhanh với những tiến bộ kỹ thuật mới, diện tích và sản lượng cây trồng mới có thể gia tăng mạnh nhưng giá trị sản phẩm cũng như lợi tức tăng không tương ứng do không có sự liên kết theo chuỗi.

Nhiều mặt hàng có nhu cầu cao trong nước nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ và chất lượng chưa cao nên chưa thay thế hàng nhập khẩu; việc lưu thông hàng hóa thị trường phát triển không đồng đều giữa các địa phương, chưa hình thành các kênh phân phối hợp lý cho các mặt hàng thiết yếu, chưa có sự gắn kết để điều phối hiệu quả hàng hóa trong vùng. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, nông dân cũng gặp không ít khó khăn do các giống nội địa có khả năng thích ứng rộng nhưng cho năng suất không cao, hệ thống thủy lợi chưa đủ khả năng đáp ứng, thêm vào đó là chưa có những nghiên cứu sâu rộng về kỹ thuật và quy trình canh tác cho từng loại cây ở từng tiểu vùng sinh thái...

Đây cũng là khó khăn chung mà Đồng Tháp đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2013, toàn tỉnh Đồng Tháp có 30.725ha thực hiện chuyển đổi từ lúa sang màu với 4 loại cây chủ yếu là: bắp, mè, ớt, đậu nành. Tuy nhiên, chỉ có cây mè và ớt là tăng diện tích, còn cây đậu nành đang bị giảm mạnh. Do vậy để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công cần tháo gỡ các nút thắt trên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Công Thành - Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần nhấn mạnh giải pháp cơ giới hóa đồng bộ, hợp tác với các nước lân cận để khảo nghiệm máy móc thực tế từng cây trên đồng ruộng mỗi vùng và nên hợp tác thử nghiệm, tiến đến nhập khẩu nhanh các loại máy móc làm việc hiệu quả để phục vụ kịp thời cho việc sản xuất các loại cây màu chủ yếu được đưa vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh trên đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long từ sản xuất đến công nghệ sau thu hoạch.

Thạc sĩ Nguyễn Viết Cường - Trung tâm nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa ở vùng Đồng Tháp Mười là hướng đi mới cần được quan tâm. Để thực hiện được điều đó cần trải qua 6 bước, đó là: đánh giá chi tiết điều kiện, tiềm năng và triển vọng phát triển; xây dựng kế hoạch đưa vào chủ trương của địa phương; thuyết minh đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; triển khai đề tài; nghiệm thu dự án và xây dựng mô hình, phát triển mở rộng sản xuất.

Còn theo PGS.TS Phạm Văn Dư, cần phát triển các cây trồng lấy sản phẩm cho công nghiệp chế biến trong nước thay thế nông sản nhập khẩu là mục tiêu chiến lược. Đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay, trong định hướng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng khác thì các cây được quan tâm đẩy mạnh phát triển trong những năm tới là bắp, đậu nành.

Song song đó, cần phát triển công nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm, thực hiện tốt các chính sách phát triển nông nghiệp, chính sách đầu tư giống mới và khoa học kỹ thuật tiên tiến, ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, chủ động hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn