Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất

Cập nhật ngày: 17/02/2022 05:14:25

ĐTO - Hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế, thời gian qua, tỉnh quan tâm chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng mang lại giá trị cao. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân…


Mô hình trồng xen canh, luân vụ giữa lúa với hoa màu mang lại nguồn thu nhập cao. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Theo UBND tỉnh, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021 là trên 10.400ha. Theo đó, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là gần 4.850ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen, rau đậu các loại... Nhìn chung, hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa màu sẽ cho lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần.

Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là trên 2.763ha chủ yếu là xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn... Riêng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản 31,7ha, chủ yếu thực hiện luân canh lúa - tôm, lúa - cá (hoặc ếch). Thông qua mô hình luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm trên đất trồng lúa thu về lợi nhuận cao hơn so với hộ dân chỉ trồng 3 vụ lúa. Hiệu quả thu nhập bình quân từ 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Theo đánh giá của các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa rất phù hợp với nhu cầu thực tế do giá bán các nông sản khác cao hơn lúa. Đáng quan tâm hơn khi thời gian qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa vào vườn cây ăn trái ngày một nhiều hơn, nhằm giảm chi phí sản xuất và công lao động cho nông dân. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái được các ngân hàng cho vay trung và dài hạn để sản xuất, mua máy móc, thiết bị đạt tỉ lệ khá cao.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn nhất định. Giá cả thị trường biến động làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá thành sản xuất tăng trong khi giá bán giảm nên lợi nhuận trung bình giảm từ 20 - 30% so với năm 2020.


Mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tại xã Phú Đức giúp nông dân nâng cao thu nhập. 
Ảnh: Mỹ Nhân

Hiện nay, tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư đầu vào, cũng như áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi ngành hàng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, mùa vụ do chi phối của quan hệ cung - cầu trong nền kinh tế thị trường nên giá cả một số mặt hàng nông sản chưa ổn định, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng dẫn đến tăng chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông của một số địa phương chưa thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển vật tư và nông sản hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021 gây khó khăn cho việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa tại địa phương.

Theo UBND tỉnh, dự kiến tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022 là gần 9.400ha. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là 3.222ha, trồng cây lâu năm là 3.036ha và trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 72ha...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn