Tháp Mười
Định hướng đến năm 2025 hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao
Cập nhật ngày: 17/02/2022 05:11:26
ĐTO - Phát huy lợi thế là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp (năm 2019), hiện nay, Tháp Mười đang tập trung mọi nguồn lực và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm nâng chất các tiêu chí NTM, tiến tới mục tiêu đến năm 2025, địa phương hoàn thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Máy cấy lúa giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất
Theo bà Trần Thị Quý - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, được công nhận huyện NTM năm 2019, địa phương ý thức được xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, sau khi đạt chuẩn huyện NTM, Huyện ủy, UBND huyện chủ động xây dựng các Nghị quyết, kế hoạch để duy trì, nâng chất các tiêu chí đạt được và định hướng xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đến năm 2025.
Hiện nay, huyện duy trì các tiêu chí NTM đạt 12/12 xã. Về NTM nâng cao, xã Mỹ Đông đạt 19/19 tiêu chí; xã Thanh Mỹ đạt 18/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 11-16 tiêu chí.
Qua thời gian thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, địa phương nhận thấy để duy trì và hoàn thành các chỉ tiêu còn nhiều khó khăn. Cụ thể, đối với các tiêu chí mềm như y tế, an ninh trật tự, hộ nghèo, cải cách hành chính tuy đã đạt, nhưng rất dễ rớt nếu cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở không quan tâm chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên trong quá trình thực hiện. Riêng các tiêu chí chưa đạt còn lại như thu nhập; môi trường; sản xuất và tổ chức lại sản xuất huyện đang gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, hiện nay, đối với tiêu chí thu nhập có 11/12 xã không đạt. Đây là tiêu chí khó đạt nhất trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu. Nguyên nhân do kinh tế huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Đối với chỉ tiêu về cảnh quan môi trường có 10/12 xã không đạt. Các địa phương chủ yếu không đạt chỉ tiêu 17.1 là có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung bảo đảm cung cấp nước sạch cho hộ dân trên địa bàn xã và chỉ tiêu 17.6 là lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã phải được thu gom và xử lý đúng quy định. Huyện Tháp Mười có địa bàn rộng, hệ thống kênh rạch chằng chịt, người dân có tập quán sống rải rác theo các tuyến kênh nên việc đầu tư hệ thống cấp nước cần kinh phí lớn. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen phân loại và thực hiện thu gom rác sinh hoạt.
Ngoài ra, tiêu chí 13 - sản xuất và tổ chức lại sản xuất có 8/12 xã không đạt. Phần lớn các địa phương không đạt chỉ tiêu 13.1 là có ít nhất 1 hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động hiệu quả; xã có ít nhất 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoặc chế biến. Hiện nay, các hợp tác xã tuy được củng cố nhưng chưa chủ động trong xây dựng kế hoạch phương án kinh doanh, liên kết tiêu thụ với công ty. Bên cạnh đó, những năm gần đây, huyện có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nhưng do kinh phí đầu tư lớn và người dân còn thói quen sản xuất theo tư duy cũ nên chưa nhân rộng được nhiều.
Theo bà Trần Thị Quý - Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, trước những khó khăn và thuận lợi nêu trên, để phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nâng cao ở mức cao nhất, thời gian tới, huyện Tháp Mười tiếp tục tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí; triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; phát triển các hình thức liên kết sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh sự nỗ lực để từng bước khắc phục khó khăn trong thực hiện các tiêu chí, huyện cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ các cấp, các ngành để thực hiện các tiêu chí khó, nhất là về nguồn lực đầu tư...
MN