Thành phố Cao Lãnh với 3 dự án đường bộ quan trọng
Cập nhật ngày: 13/02/2022 06:31:13
ĐTO - Đó là các dự án: tuyến tránh Quốc lộ 30 (qua TP Cao Lãnh); cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, đã bắt đầu rục rịch từ cuối năm 2021 và sẽ chuyển động rộn rịp từ đầu năm 2022 trở đi. Có thể nói, đã hơn 45 năm, từ sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975) đến nay, thành phố tỉnh lỵ của Đồng Tháp mới có được sự quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ như vậy về hệ thống đường bộ, nhất là các đoạn đường cao tốc.
Dự án đường Sở Tư pháp vừa đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho TP Cao Lãnh. Ảnh: Nhật Khánh
Nếu nhận xét không quá tự ti, có thể nói, đến thời điểm này, chính TP Cao Lãnh chứ không phải nơi nào khác, là một thành phố, đặc biệt là thành phố tỉnh lỵ, có hệ thống đường bộ hạn chế nhất, so với nhiều thành phố tỉnh lỵ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.
Thật vậy, đến TP Cao Lãnh lúc này, từ phía Tiền Giang, duy nhất có Quốc lộ 30, trầy trật nâng cấp hàng chục năm mới tạm ổn, với quy mô đường cấp III đồng bằng. Còn từ TP Cao Lãnh đi TP Hồng Ngự và vươn xa đến cửa khẩu Dinh Bà giáp Campuchia thì Quốc lộ 30 vẫn đang trong quá trình nhọc nhằn nâng cấp. Một quốc lộ huyết mạch, không chỉ đến với tỉnh lỵ tỉnh Đồng Tháp mà còn nối với nước bạn Campuchia mà ì ạch cải tạo, nâng cấp, quả thật có gì đó khá bất thường! May sao, đến giờ, cơ bản Quốc lộ 30 cũng đã được nâng cấp như nó vốn được vậy từ lâu. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ...
Trong 25 dự án các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch 342-KH/UBND của UBND tỉnh) thì 3 dự án liên quan đến TP Cao Lãnh nói trên là đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là những công trình giao thông góp phần vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh Đồng Tháp nói chung mà hơn thế, còn góp phần thay đổi bộ mặt của thành phố tỉnh lỵ Cao Lãnh và cả tỉnh Đồng Tháp.
Thử hình dung, nếu tuyến tránh của Quốc lộ 30 (nằm trong quy hoạch và kinh phí tổng thể của dự án nâng cấp Quốc lộ 30) qua TP Cao Lãnh hoàn thành, ngoài những hiệu quả, lợi ích to lớn mà nó mang lại, điều “mát mắt” nhất của người dân nơi đây, đó là hàng ngày không phải mục sở thị từng đoàn xe container (chưa tính các loại xe có tải trọng lớn khác) xuyên qua gần như khắp trung tâm thành phố, từ cầu An Bình, qua cầu Đình Trung, chạy hết con đường trung tâm Nguyễn Huệ, quẹo và chạy suốt con đường trung tâm khác là 30/4, đến Phường 11, nơi có khu công nghiệp Trần Quốc Toản. Gần như tất cả các thành phố tỉnh lỵ trên cả nước đều không còn cảnh như thế, kể cả các thành phố có Quốc lộ 1A xuyên qua. Gần như Cao Lãnh chính là thành phố tỉnh lỵ cuối cùng thực hiện điều này...
Thử hình dung, khi cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (dự kiến chiều dài khoảng 30km; nền đường rộng 23m; kinh phí khoảng 5.400 tỷ đồng) đưa vào sử dụng, hầu hết xe ô tô sẽ chuyển qua đi trên đại lộ này, Quốc lộ 30 - quy mô đường cấp III đồng bằng - sẽ không còn quá tải, sẽ chậm xuống cấp, sẽ giảm áp lực tai nạn giao thông... Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu khai trương và đưa vào sử dụng, tạo ra cửa ngõ mới của thành phố tỉnh lỵ của Đồng Tháp, tạo nên sự kết nối giữa trục dọc cao tốc phía Đông (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ) với trục dọc cao tốc phía Tây (TP Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Vàm Cống - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi). Điều dễ thấy nhất, đó là, như mọi con đường cao tốc khác, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu sẽ rút bớt đáng kể thời gian lưu thông trên đường của các phương tiện, qua đó tiết kiệm nhiều tiền của, vật lực của Nhà nước và Nhân dân...
Thử hình dung, khi cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (dự kiến chiều dài khoảng 26km; nền đường rộng 17m; kinh phí dự kiến khoảng 4.700 tỷ đồng) đưa vào sử dụng, không chỉ thành phố tỉnh lỵ có thêm một con đường hiện đại nối với huyện vùng sâu Tháp Mười, mà quan trọng hơn, khi kết nối với tuyến N2, đây cũng chính là cửa ngõ của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mở đến các tỉnh, thành khác, rút ngắn quãng đường và thời gian đến khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ (không phải đi qua TP Hồ Chí Minh bằng Quốc lộ 1A). Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, khi kết nối với các tuyến cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống hay cầu Vàm Cống - tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi... cũng sẽ mở ra sự liên kết giữa Đồng Tháp và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, cũng như các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Và thử hình dung, khi cả 3 dự án trọng điểm về giao thông trên đây hoàn thành (dự kiến vào năm 2025), tỉnh Đồng Tháp và thành phố tỉnh lỵ Cao Lãnh chắc chắn sẽ khởi sắc, “bùng nổ” một cách mạnh mẽ nhất. Nguyên lý giản dị bất thành văn “Có đường đi là có tất cả” sẽ hiển hiện một cách cụ thể, sinh động tại thành phố tỉnh lỵ của miền Đất Sen hồng và chắc chắn sẽ tạo nên sức bật mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Điều quan trọng bây giờ là, đừng để tiền lệ thi công giữa chừng rồi bỏ đó như Quốc lộ 30 của hơn 10 năm trước lặp lại. Muốn vậy, cả Nhà nước, chính quyền địa phương phải cùng chung tay vào cuộc một cách đích thực. Giải phóng mặt bằng bao giờ cũng là công đoạn nhọc nhằn nhất, cho nên chính quyền địa phương và Nhân dân nơi các con đường đi qua, cần phải có kế hoạch và phương án cụ thể, triệt để, tích cực, đảm bảo tiến độ thì mới có thể tổ chức thực hiện thi công các công trình đường bộ nói trên một cách tốt nhất có thể. Phần còn lại là của chính quyền, chủ đầu tư, nhà thầu...
Đồng Tháp và TP Cao Lãnh đã “về sau” trong lĩnh vực phát triển hệ thống giao thông hiện đại rồi, đừng để thời gian ì ạch thêm nữa...
TAO ĐÀN