Cơ hội và thách thức trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển

Cập nhật ngày: 28/12/2020 15:38:42

ĐTO - Xác định những cơ hội và thách thức để có những giải pháp phù hợp trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt và đạt nhiều kết quả trong thời gian qua, cần phát huy mạnh trong những năm tới.

Về cơ hội, dự án (DA) kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hoàn thành 3 DA thành phần trên địa bàn tỉnh (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến đường kết nối giữa 2 cầu). Đồng thời, trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn Trung ương đã đầu tư mở rộng Quốc lộ 54, Quốc lộ 30, Quốc lộ 80 trên địa bàn tỉnh và đang triển khai thực hiện DA đầu tư mới tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2,... Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương tiếp tục đầu tư các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh như: tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và tiếp tục đầu tư 2 DA thành phần còn lại thuộc DA kết nối giao thông vùng ĐBSCL. Từ đó, sẽ tạo ra bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh và mở ra cơ hội giao thương, kết nối giữa tỉnh Đồng Tháp với vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của đất nước.

Vùng ĐBSCL với hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện trong thời gian qua và những kế hoạch thời gian tới sẽ tạo nhiều cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư FDI để trở thành nhân tố mới trong trong bản đồ FDI của cả nước. Trong đó, Đồng Tháp với nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua, sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Định hướng liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, tiểu vùng Đồng Tháp Mười... cũng sẽ mở ra cơ hội cho việc tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm mang tính chất vùng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần tạo ra cơ chế thu hút đầu tư hợp lý, mang lại hiệu quả cao nhất cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa khọc kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện đang là xu thế phát triển trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới. Tận dụng xu thế này, kết hợp với nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, lợi thế về nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, đa dạng về hệ cây trồng, thủy sản, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư của doanh nghiệp và người dân để phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, cung ứng cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đó là nhu cầu vốn đầu tư thì rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn đầu tư công do tỉnh thực hiện chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư phát triển; sang giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn tăng mạnh, nhưng vốn phân bổ từ ngân sách Trung ương không theo kịp, nên tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư giảm còn 15,8%. Phần còn lại (84,2%) cần phải huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Việc đáp ứng quỹ đất công nghiệp để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 là thách thức lớn đối với địa phương. Vốn kêu gọi đầu tư sản xuất công nghiệp cho cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 50.000 tỷ đồng, đòi hỏi quỹ đất công nghiệp tăng thêm tối thiểu từ 500 - 600ha. Do đó, phải thành lập và đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng từ 3 - 4 khu công nghiệp quy mô vừa, đồng thời rà soát, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp hiện hữu và thành lập mới một số cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch. Trong khi đó, thực tế cho thấy, việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp mất nhiều thời gian. Ngoài ra, sức hút của các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã định hình luồng dịch chuyển lao động bất lợi cho các địa phương khác, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Do đó, việc đáp ứng nguồn lao động kỹ thuật, quản lý chất lượng cao phục vụ cho các dự án quy mô lớn, dự án công nghệ cao cũng là một thách thức đối với địa phương.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn