Có nhau trong mùa Cô Vi

Cập nhật ngày: 15/07/2021 15:32:31

Người dân ở mọi tầng lớp đều sợ Covid-19. Thế nhưng cho đến bây giờ, nhiều người có thêm cái sợ không kém là tương lai về sinh kế của gia đình, khi mỗi ngày đều phải đối mặt với giãn cách và phong tỏa. Ở đấy, khi cái ngặt nghèo của dịch bệnh đang bào mòn sức sống của con người, chỉ cần một nghĩa cử cao đẹp có nhau trong mùa dịch sẽ tựa như cơn mưa rào làm dịu mát tâm hồn đang dần trở nên khô hạn.

Covid-19 bào mòn người lao động

Đã hơn 2 năm kể từ khi dịch bùng phát lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc. quán xá đóng cửa vì lệnh giãn cách xã hội, khu phố thưa bóng người qua lại do phải phong tỏa bởi các ca F0 liên tục xuất hiện. Câu chuyện về thu nhập của mỗi cá nhân đều xuất hiện những ảnh hưởng tiêu cực.

Covid-19 tác động đến tầng lớp lao động nghèo đang dần hiện rõ hơn trên đôi mắt đượm buồn của cô bán xôi ngoài đầu hẻm: “Hồi trước, tui làm công nhân, giờ họ giảm biên chế nên tui mới ra đây bán xôi. Ra đường thì nguy hiểm, dễ bị dịch bệnh này kia. Nhưng ở nhà thì lấy tiền đâu ra mà xoay sở…”.


Nhiều công nhân các xưởng sản xuất phải nghỉ việc do doanh nghiệp buộc phải giảm biên chế. Ảnh: TTXVN

Kể từ 0h ngày 9/7, ở trung tâm kinh tế của miền Nam bắt đầu thực hiện nghiêm chỉ thị 16 của Chính phủ trên quy mô toàn thành phố. Lại một lần nữa, tầng lớp lao động lại rơi vào thế bị động. Gánh xôi bốc màu khói trắng của cô thêm phần não nề.

Cái ngặt nghèo của bệnh dịch làm cho xã hội cứ mãi giãn cách, mãi phong tỏa, khiến “bát cơm” của đại bộ phận người dân cũng theo đó “phong tỏa” chung. Nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền buộc người lao động phải bỏ mặc những mối nguy hiểm về tính mạng của bản thân mà lao ra đường kiếm sống. Ở thời điểm này, chỉ cần một cơn mưa rào thôi cũng sẽ làm dịu mát tâm hồn kẻ cầu thực đang dần thấm mệt.

Những “cơn mưa rào” rơi đúng lúc

Người Việt Nam ta ngộ lắm, thấy những cảnh đời bất hạnh thì chẳng nề hà gì mà lao vào “nhường cơm sẻ áo” như họ chính là người thân ruột thịt của mình. Cũng đúng thôi, vì khi chúng ta sinh ra đã mang dòng máu Lạc Hồng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cơ mà. Tinh thần tương thân tương ái bất diệt đó luôn là ngọn lửa cháy mãi trong tim của mỗi người dân đất Việt.


Doanh nghiệp cùng đồng hành với địa phương nơi đang là “chảo lửa” của dịch bệnh

Những hộp cơm bới vội, vài phần thịt bóng mẩy mỡ, thêm món rau xào đơn giản nhưng lại chứa bội phần nghĩa tình đồng bào. Cứ mỗi buổi sáng, ta lại thấy hàng dài người lao động khó khăn, không chen lấn, không xô đẩy, giữ khoảng cách với nhau để chờ được nhận phần cơm mang về.

Trong tình cảnh đó, ta tìm được sự hạnh phúc từ các cô chú bán hàng khi nhận trên tay phần cơm nghĩa tình và thấm đượm niềm vui của người cho đi lúc nhận được lời cám ơn ấm áp. “Mình phát cơm cho người ta mà họ cảm ơn lại mình, mình thấy cái lòng mình ấm lắm con”- một người dân chia sẻ.

Người dân hái rau vườn tặng khu cách ly, bán xe Mercedes lấy tiền làm ATM gạo cho đến hành động thiện nguyện của các doanh nghiệp khi tặng hàng trăm triệu đồng vào Quỹ phòng chống Covid-19 ở địa phương, đã làm nên những “cơn mưa rào” tưới mát cho biết bao cảnh đời đang khó khăn trong mùa dịch. Cống hiến sức mình vì người khác khiến trái tim ta trở nên vị tha, bao dung hơn và giúp cộng đồng phát triển ổn định nhiều hơn như thế…

Cống hiến không chỉ đến từ những điều lớn lao mà còn từ những việc bé nhỏ, giản đơn trong cuộc sống. Như khi ta chấp nhận “bó buộc” chân mình vào bốn góc tường trong căn phòng, quanh quẩn ở khuôn viên nhà để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Đó mới chính là sự cống hiến thầm lặng của riêng ta nhằm chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh.

Hay khi ta phải tạm xa nhà một khoảng thời gian, thực hiện chỉ thị giãn cách của Chính phủ tại cơ sở đang công tác, cũng là góp phần cổ vũ công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp. Đó mới là sự cống hiến rõ ràng nhất, là sự sẻ chia cùng nhau chống đại dịch thiết thực và ý nghĩa nhất.

Doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, là những đơn vị kinh tế chịu sự ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến chống dịch lần này. Họ đã phải cùng địa phương gồng mình vừa chống dịch, vừa phục hồi. Vai trò của họ không chỉ trên phương diện kinh tế, mà còn là an sinh cho xã hội, đảm bảo đời sống của người lao động.


Nhiều công nhân tình nguyện ở lại công ty làm việc khi doanh nghiệp áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các khu công nghiệp

Thực hiện giãn cách tại nơi sản xuất, áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 được xem là giải pháp vẹn toàn cho cả doanh nghiệp và người lao động, khi người lao động vẫn được tiếp tục làm việc và doanh nghiệp vẫn duy trì được quá trình sản xuất. Chỉ khi đó, đất nước mới có cơ hội phục hồi và phát triển.

“Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào nước tươi mát và thấm vào đất để tạo nên dòng suối nhỏ, cứ chảy mãi cho tới khi, một dòng sông ra đời. Dòng sông dịu dàng tiến dần ra phía biển. Những trầm tích được nước mang theo lắng lại tại cửa sông và tạo nên những vùng châu thổ màu mỡ, hình thành những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới”, (tóm tắt một đoạn trong tác phẩm Bí mật của nước - Masaru Emoto).

Sống và cống hiến như cuộc đời của nước, biết đâu ngày nào đó chợt nhận ra rằng sự vĩ đại của đất nước mình đều có những cống hiến của ta.

Tino

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn