Còn nhiều khó khăn trong cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn

Cập nhật ngày: 30/07/2012 08:05:55

Nằm ở khu vực đầu nguồn, hàng năm bị ngập 3-4 tháng, có nhiều diện tích thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, nhiều hộ thu nhập thấp... là những khó khăn lớn trong công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) của tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT, tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác các công trình cấp nước đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Theo kết quả điều tra chỉ số năm 2011 mô hình quản lý tư nhân và doanh nghiệp chiếm 87%, tăng 6% so với năm 2010.

Từ vốn hỗ trợ, vốn ngân sách, vốn huy động các thành phần kinh tế và vốn đóng góp của nhân dân, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 368 công trình cấp nước sạch, 11.682 giếng khoan, cấp phát trên 20.000 bộ bình lọc, xô lọc nước và nhiều loại thuốc, chế phẩm xử lý khác. Đến nay, tỉnh có 63,44% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung 44%, còn lại sử dụng cấp nước tại hộ gia đình (bể chứa nước mưa, bể lắng lọc,...). Ước đến cuối năm 2012, có 65% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng được quan tâm hơn, tỉnh đã xây dựng một số chế độ, chính sách hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ môi trường; ý thức bảo vệ môi trường đang dần trở thành thói quen, nếp sống của một bộ phận nhân dân. Hiện có 43% hộ nông thôn có nhà tiêu và nhà tiêu hợp vệ sinh, ước đến cuối năm đạt 47%; 58% nhà trẻ mẫu giáo, 87% trường học được cung cấp nước và nhà tiêu đạt hợp vệ sinh; hộ dân có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 74%, làng nghề được xử lý chất thải rắn đạt 83%.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT còn nhiều khó khăn. Đầu tiên là kinh phí từ nguồn ngân sách phân bổ chậm và chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế và huy động các nguồn vốn đối ứng ngoài ngân sách còn hạn chế. Một số công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn giao các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tư nhân quản lý khai thác lâu năm bị xuống cấp, thiếu kinh phí duy tu do hiệu quả khai thác chưa cao. Một bộ phận dân cư nông thôn chưa thay đổi được hành vi sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường theo hướng tích cực và điều kiện ngập lũ hàng năm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình. Đa số hộ dân có thu nhập thấp sống trên các cụm, tuyến dân cư khó khăn trong chi khoản sử dụng nước sạch và nhiều hộ sống ven kênh rạch có thói quen sử dụng nước trực tiếp chưa qua xử lý.

Số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh và sử dụng nước sạch còn thấp, do nhiều người chưa có ý thức và khó khăn về kinh tế nên chưa quan tâm bảo vệ môi trường, chưa xem bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe chính mình.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT nông thôn giai đoạn 2012-2015 (27-7), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, vì nguồn ngân sách hạn chế nên các địa phương cần đẩy mạnh huy động sự đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế mới sớm nâng cao kết quả. Dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng cần phải tăng tốc để đến năm 2015 đạt các chỉ tiêu đặt ra.

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn