Công ty lương thực Đồng Tháp
Khó khăn trong đầu tư kho dự trữ lúa
Cập nhật ngày: 09/01/2013 04:32:43
Thực hiện đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa ở đồng bằng sông Cửu Long của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Công ty lương thực Đồng Tháp đã đầu tư 5 dự án kho dự trữ gồm: kho lương thực tại chợ Trung tâm Nông sản Thanh Bình, kho lương thực tại Xí nghiệp Chế biến lương thực số 2, Xí nghiệp Chế biến lương thực Cao Lãnh; kho lương thực tại Xí nghiệp Chế biến lương thực Tam Nông, kho lương thực Tân Dương, kho lương thực Bình Phú.
Theo đó, mỗi dự án có quy mô xây dựng từ 5.000m2 - 15.000m2, tổng kinh phí thực hiện gần 250 tỷ đồng, có sức chứa gần 96 ngàn tấn. Bên cạnh các kho chứa, Công ty còn đầu tư nhiều công trình phụ trợ và những dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu hiện đại...
Các dự án được triển khai thực hiện từ năm 2009, đến nay cơ bản đã hoàn thành các hạng mục và đưa vào sử dụng, hoạt động đạt 85% năng lực kho. Anh Đinh Công Thủ (Trưởng phòng hợp tác đầu tư - Công ty Lương thực Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay, các chi nhánh kho chứa lúa gạo của Công ty hoạt động chủ yếu theo chủ trương mua lúa tạm trữ của Chính phủ. Ngoài ra, Công ty không có chủ trương mua thêm lúa tạm trữ nên năng lực kho hoạt động chưa đạt hết công suất”.
Ở Đồng Tháp, theo kết quả điều tra cho thấy, có hơn 70% số hộ nông dân không tạm trữ hoặc không có khả năng tạm trữ lúa khi vào mùa thu hoạch. Hầu hết nông dân đều bán lúa trực tiếp cho thương lái sau khi thu hoạch do phải trang trải chi phí sản xuất. Đó là trở ngại cơ bản khi Công ty triển khai thực hiện kế hoạch tạm trữ lúa, nhằm giúp việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân đạt hiệu quả cao. Cũng theo anh Đinh Công Thủ, tập quán lâu nay của bà con nông dân là thường bán lúa ngay sau khi thu hoạch, người dân chưa có thói quen ký gởi ở nhà kho, vì vậy hiện Công ty chủ yếu là thu mua lúa theo kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, quá trình đầu tư kho lúa của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn, trước hết là việc tiếp cận nguồn vốn vay. Theo quy định, đối với các dự án đầu tư xây dựng kho chứa lúa sẽ được hỗ trợ lãi suất ở mức 6,5%/năm và vay vốn ưu đãi 0% để mua các loại máy móc hiện đại, ngoài ra còn miễn tiền thuê đất trong vòng 5 năm kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động và được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào khu vực xây dựng kho chứa. Tuy nhiên, quá trình đầu tư triển khai thực hiện dự án thì Công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo quy định của Chính phủ mà phải vay vốn từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao.
Anh Đinh Công Thủ cho hay, chủ trương chính sách về hỗ trợ vay vốn ưu đãi địa phương có thực hiện, tuy nhiên sau khi hoàn thành xong các thủ tục hồ sơ đấu thầu dự án đến khâu tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng thì thủ tục rất nhiêu khê chưa kể khó khăn về mặt bằng xây dựng nhà kho và công tác đấu thầu dự án.
Thực hiện hệ thống kho dự trữ lúa nhằm đảm bảo thu mua lúa trong dân, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất của người trồng lúa và nhà chế biến, xuất khẩu, chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh trước những biến động của thị trường là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn của doanh nghiệp được giao đầu tư kho và thu mua lúa, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tham gia trong việc hỗ trợ giải quyết khó khăn, để doanh nghiệp thực hiện tốt chủ trương về đầu tư kho dự trữ lúa của Chính phủ...
Mai Thảo