Đầu tư hạ tầng để phát triển logistics cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật ngày: 04/01/2018 07:09:43
ĐTO - Thời gian qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quan tâm đầu tư đáng kể để cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phần nào đáp ứng tốt nhu cầu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, hệ thống sông ngòi lớn, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông trong khu vực còn khá cao. Mặc dù đã được quan tâm nhưng kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành logistics cũng như phát triển chung của vùng.

Hệ thống sông ngòi là điều kiện thuận lợi để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển tốt ngành logistics
Tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển logistics. Cụ thể như hệ thống giao thông với 2.030km quốc lộ, 7.718,8km tỉnh lộ, 14.826km đường thủy; 4 cảng hàng không; 6 cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu quốc gia giao thương với Campuchia. Hệ thống cảng trong vùng cơ bản đã hình thành với 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy...
Những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực đáng kể để đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, trong đó nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi bộ mặt giao thông. Đặc biệt, việc hoàn thành các cầu lớn trong khu vực như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên... giúp cho hệ thống giao thông của vùng ngày càng thuận lợi. Cùng với đó là việc hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong vùng với cả nước và thế giới.
Sự phát triển nhanh của điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn từ 2010 – 2016, tổng khối lượng vận tải vùng đạt hơn 4.650 triệu lượt khách và 468,25 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 4,4%/năm đối với hành khách và 4,9%/năm đối với hàng hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong đó, hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển do tỷ trọng vốn đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng còn thấp so với nhu cầu; kinh phí duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế; suất đầu tư xây dựng cao hơn các vùng khác do đặc điểm địa chất, địa lý...
Theo đánh giá của Bộ GTVT, một số điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng tập trung vào hệ thống trục dọc tại khu vực các tỉnh duyên hải phía đông ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh kết nối TP.Hồ Chí Minh đang rất cần được tháo gỡ. Hiện nay nhiều trục trên đường bộ nối đến cảng bị hạn chế tải trọng, chưa nâng cấp ảnh hưởng đến việc đưa hàng container giữa các cảng và khu công nghiệp. Bên cạnh đó, sự không đồng bộ giữa quy mô bến cảng và luồng vào cảng là tồn tại lớn nhất đối với cảng biển ĐBSCL.
Việc chậm cải tạo, nâng cấp luồng sông là nguyên nhân chính hạn chế năng lực hoạt động cũng như sự phát triển của các cảng biển. Ngoài ra, do hạn chế về năng lực cảng biển nên gần 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải thông qua hệ thống cảng Đông Nam bộ...
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT: “Hiện tại, vùng ĐBSCL có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, hàng không đã và đang đảm nhận vai trò tích cực cho sự phát triển chung của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề liên kết vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng”.
Hoàn chỉnh hạ tầng kết nối để hàng hóa
Tuy có nhiều hạn chế nhưng theo Bộ GTVT dự báo, nhu cầu vận tải hàng hóa trên hành lang giai đoạn đến năm 2020 từ TP.Hồ Chí Minh – Tiền Giang khoảng 54.424 tấn/năm; Tiền Giang – Cần Thơ khoảng 33.317 tấn/năm. Đến năm 2030, nhu cầu vận tải từ TP.Hồ Chí Minh – Tiền Giang khoảng 95.521 tấn/năm; Tiền Giang – Cần Thơ khoảng 48.809 tấn/năm. Qua số liệu dự báo trên cho thấy, tiềm năng về nhu cầu vận tải hàng hóa của vùng ĐBSCL ngày càng tăng. Do đó, yêu cầu kết cấu hạ tầng giao thông của vùng phải được quan tâm đầu tư cho tương xứng với vị trí, tiềm năng của vùng.
Ông Phùng Ngọc Minh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận định, đặc thù ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt, trong khi đường bộ khó khăn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải. Ông Minh đề xuất, duy trì như thiết kế kênh Quan Chánh Bố sông Hậu để thông thương tàu 2 vạn tấn vào. Đồng thời, đầu tư tuyến kênh Mương Khai để rút ngắn qua sông Tiền, sông Hậu để tàu tải trọng 1.500 – 2.000 tấn qua lại dễ dàng. Ngoài ra, tăng cường hệ thống an toàn trên tuyến để đảm bảo ban đêm và hỗ trợ chính sách cho tàu quốc tế về cảng Cái Cui...
Theo Bộ GTVT, trong định định hướng, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện 4 trục dọc và 1 tuyến cao tốc (tuyến N1, N2, Quốc lộ 1, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau, hành lang ven biển), 9 tuyến trục ngang và hệ thống các cầu. Đồng thời nâng cấp các tuyến vận tải thủy hiện có, cải tạo các cầu có tĩnh không thấp nhằm khai thác triệt để thế mạnh vận tải thủy góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ. Hình thành các trung tâm logistics lớn tại các tỉnh, thành (trong đó có Đồng Tháp) nhằm tạo hạ tầng quan trọng để phát triển dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu trong tương lai của vùng và quốc tế...
Nhìn từ góc độ ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Để ngành logistics trở thành thế mạnh của vùng ĐBSCL, về góc độ thể chế, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần tham mưu Chính phủ, Quốc hội các cơ chế chính sách sát thực tiễn, thích ứng và uyển chuyển cơ sở hạ tầng hiện có để đóng mới các phương tiện có thể vận chuyển khối lượng lớn, chi phí thấp. Cần xem xét từng trục đường, từng tuyến kênh, từng bến cảng để có cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp khai thác các hạ tầng này, góp phần giảm chi phí. Phải cải thiện trục giao thông nối bến cảng; phát huy vận tải thủy bằng các gói tín dụng về lãi suất cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư các đội tàu mới, mạnh, chi phí rẻ, giảm tải đường bộ, giảm chi phí, bến cảng bốc xếp thủ công, đầu tư cần trục hiện đại, bốc xếp nhanh chóng và giảm chi phí”.
Nhận định về tiềm năng cho tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Sắp tới, tỉnh có thể hoàn chỉnh hạ tầng kết nối để hàng hóa giảm chi phí trung gian từ sản phẩm nông sản của nông dân đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, tỉnh Đồng Tháp cần tập trung phát triển mô hình logistics trong nông nghiệp; hình thành trung tâm logistics cho vùng ĐBSCL; chủ động mời các nhà đầu tư, tư vấn xây dựng hạ tầng cho việc phát triển logistics. Ngành GTVT sẽ cử các chuyên gia hỗ trợ 2 địa phương là Đồng Tháp và TP.Cần Thơ trong việc xây dựng hạ tầng phát triển logistic, cố gắng tận dụng hạ tầng giao thông hiện có để kéo giảm chi phí vận tải...”.
Khánh Phan