Kết quả bước đầu trong việc triển khai Đề án An toàn điện
Cập nhật ngày: 02/01/2018 06:57:46
ĐTO - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện “Đề án An toàn điện tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017- 2020” (gọi tắt là Đề án) đã cho thấy sự hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cung cấp và sử dụng điện.

Công nhân ngành Điện lắp đặt điện kế mới cho khách hàng
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu hướng tới của Đề án nhằm giảm số vụ sự cố lưới điện cao áp và số vụ tai nạn điện hàng năm từ 10% trở lên so với năm 2015. Đến năm 2020 sẽ có 119/119 xã đạt tiêu chí điện nông thôn, xóa ít nhất 75% số điện kế cụm.
Để tăng cường bảo vệ và chống điện giật trong vận hành, sử dụng điện, mục tiêu của Đề án phải có ít nhất 50% số hộ sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ và 80% số điện kế cấp điện thắp sáng đường quê phải lắp đặt thêm thiết bị chống rò điện (ELCB) với giá trị dòng rò giới hạn không quá 30mA. Ngoài ra, 100% số trạm bơm điện phục vụ tưới, tiêu nông nghiệp đảm bảo có tiếp đất bảo vệ an toàn vỏ mô tơ điện và các phần kim loại có khả năng rò điện.
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án. Trong năm 2017, Công ty Điện lực Đồng Tháp đã tranh thủ nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực miền Nam đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện an toàn và tổ chức di dời nhiều công trình, gắn mới điện kế cho các hộ dân khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân. Cụ thể, lưới điện 22 kV đã xây dựng mới 27km; lưới điện 0.4 kV đã xây dựng mới 117,8km và cải tạo 6,4 km... tổng số hộ dân được cấp điện từ lưới điện cải tạo khoảng 16.000 hộ.
Ngoài ra, Công ty Điện lực Đồng Tháp còn thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình...), phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các biện pháp sử dụng điện an toàn, hướng dẫn tiếp đất an toàn vỏ môtơ điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án.
Theo Công ty Điện lực Đồng Tháp, nhu cầu đầu tư và cải tạo lưới điện của Đề án đã được ngành Điện phối hợp cùng Sở Công Thương thống kê báo cáo và được Bộ Công Thương phê duyệt nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 theo Đề án 2081 của Chính phủ.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Đề án đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, nhưng ngân sách nhà nước chưa thể bố trí để thực hiện các dự án. Mặt khác, ngành Điện lực đã tranh thủ nguồn vốn được phân bổ từ trên để thực hiện hàng năm nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khoảng 876 điện kế cụm cần xóa; cải tạo đường dây trung thế là 151,26km; đường dây hạ thế cần xây dựng mới là 653,58km và 14,44km cần cải tạo; số trạm biến áp phân phối cần xây dựng là 287 trạm, với dung lượng 10,013 kVA... với tổng số vốn đầu tư hơn 272 tỷ đồng.
Ngoài ra, số lượng khách hàng cần vận động lắp đặt thiết bị chống rò điện (ELCB) khoảng 484.604 khách hàng, số lượng khách hàng sử dụng môtơ bơm nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp cần vận động lắp tiếp đất an toàn vỏ môtơ khoảng 57.043 khách hàng.
Việc triển khai tối ưu Đề án sẽ đảm bảo chất lượng điện ổn định, giảm số vụ sự cố lưới điện cao áp và số vụ tai nạn điện, đặc biệt là việc hoàn thành tiêu chí về điện nông thôn. Vì vậy, thiết nghĩ, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc người dân cùng chung sức với ngành Điện lực triển khai hiệu quả Đề án là vô cùng cần thiết.
Hoài Minh