Nhận diện tiềm năng, từng bước tháo gỡ những nút thắt cho rau - củ - quả

Cập nhật ngày: 30/12/2017 09:38:56

ĐTO - Năm 2017, rau - củ - quả trở thành mặt hàng xuất khẩu thu về kim ngạch lớn cho Việt Nam vượt qua cả dầu khí và thủy sản. Tiềm năng thị trường cho ngành hàng này còn rất lớn trong khi Đồng Tháp là địa phương có thế mạnh. Tuy nhiên, để mặt hàng rau - củ - quả phát triển mạnh mẽ cần giải quyết những vấn đề tồn đọng như sản xuất gắn với thị trường, đẩy mạnh chế biến sâu và xây dựng hệ thống logistic.


Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết biên bản ghi nhớ với các đối tác

Tiềm năng được nhận diện

Tại “Diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau - củ - quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp - nông thôn” do UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ phối hợp tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, năm 2017, lần đầu tiên ngành rau quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng 45% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD (trên tổng số 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nói chung) vượt qua cả lúa gạo và dầu khí. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành rau - củ - quả là rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện tại nhu cầu rau quả thị trường trong nước và quốc tế rất lớn. Trong khi đó, tiềm năng về rau - của - quả của Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng lớn là một điều kiện cần và đủ để chúng ta phát triển sản xuất. Chỉ tính thị trường trong nước với 100 triệu dân đã là cơ hội lớn, do đó cần nắm chắc dự báo để tính toán tăng kim ngạch bình quân trên 20%/năm và giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực này vào năm 2020 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ nhận định: Đồng Tháp có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, sở hữu vùng nguyên liệu như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, hoa Sa Đéc, sen... tất cả đã có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt nông dân Đồng Tháp có tay nghề cao trong canh tác. Trên tinh thần khai thác thế mạnh của địa phương, ông Thành gợi ý Đồng Tháp nên giảm 1/4 diện tích trồng lúa, tăng diện trồng cây ăn trái lên gấp 3 lần hiện tại, tương đương 69.000ha và gấp 5 lần diện tích trồng hoa kiểng - khoảng 3.000ha. Chỉ tính riêng 2 ngành hàng này, dự tính Đồng Tháp sẽ thu về khoảng 3 tỷ USD/năm.

Tại diễn đàn, các đối tác đang hợp tác đầu tư tại Việt Nam đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều cho rằng mặt hàng rau - củ - quả nước nhà làm hài lòng người tiêu dùng bản xứ và họ thông tin sẽ luôn sẵn sàng mở cửa cho nông sản Việt Nam lưu thông. Tuy nhiên, để đặt chân vào thị trường khó tính này thì ngành hàng rau - củ - quả cần phải “thông suốt” những quy định nghiêm ngặt của họ.

Dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau - củ - quả đạt khoảng 3,4 - 3,5 tỷ USD nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành hàng này, chỉ đạt 1% thị phần rau - củ - quả thế giới. Điểm yếu của lĩnh vực này là khâu chế biến và tổ chức thị trường.

Ông Lê Thành cho hay, không chỉ Đồng Tháp mà hầu như tình hình chung của nước ta là ngành chế biến rau - củ - quả vẫn còn khiêm tốn trong khi tiềm năng lại quá lớn. Dưới góc độ kinh tế nông nghiệp, chế biến sâu giúp nâng cao giá trị kinh tế trên 1 đơn vị sản xuất và thế giới đã mạnh dạn đi nhanh trong lĩnh vực này. Bởi nếu xoài bán tươi thì người nông dân chỉ bán được loại 1, còn chế biến sâu thì xoài loại 2 doanh nghiệp sẽ tiến hành sấy dẻo, sấy thăng hoa, sấy khô; loại 3 sấy cô đặc; loại 4 được ép nước. Hiện tại, nhà máy chế biến tại Long An của đơn vị đang sử dung nguồn nguyên liệu xoài Cao Lãnh và người trồng xoài cung cấp cho nhà máy có thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha.

Xét thấy mặt hàng rau - củ - quả địa phương là lĩnh vực giàu tiềm năng, Công ty Cổ phần Lavifood đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ về việc đầu tư chiến lược vào Khu công nghiệp Chế biến sâu rau - củ - quả đầu tiên của Việt Nam tại xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Được biết, trung tâm chế biến sâu này sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại nhà máy chế biến đóng thùng, nhà máy phân bón hữu cơ...

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang quan tâm đầu tư vào dự án này nhằm xuất khẩu nông sản Đồng Tháp đi các thị trường quốc tế như: Mỹ, Nhật, châu Âu... Trong đó có một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nông sản, bao gồm: Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction Co.,Ltd (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).

Đáng chú ý hơn khi UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty Cổ phần Lavifood và đối tác thương mại Greenland Business Group ký kết một thỏa thuận nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam đầu tiên vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu USD trong 2 năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.

Giải quyết nút thắt logistic

Theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới là chi phí logistics quá cao thuộc nhóm đắt đỏ so với khu vực và thế giới, chiếm trên 20%, cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu, làm ảnh hưởng đến giá bán rau - củ - quả.

Ông Richard Courey - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vision Transportation Group cho rằng, công suất cảng của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế nên 80% hàng hóa xuất khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long hiện tại được vận chuyển thông qua những cảng nước sâu ở TP.Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ cấu logistic không hiệu quả này làm tăng chí phí và làm giảm đi phần lợi nhuận của nông dân.


Sản phẩm cây ăn trái của tỉnh nhà được doanh nghiệp đánh giá cao

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Lavifood, điều quan trọng nữa là phải giải được bài toán về logistics cho rau quả Việt Nam. Hiện Lavifood chế biến xoài xuất khẩu với giá khoảng 3 USD/kg, nhưng phí vận chuyển hàng không lại mất thêm 3-4 USD/kg nên giá bán cao, rất khó cạnh tranh”.

Với cách tiếp cận logistics là một thành tố quan trọng hỗ trợ gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau - củ - quả Việt Nam, tại diễn đàn đã diễn ra lễ lý kết giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và các đối tác là lời giải về bài toán khó logistic này tại địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và liên doanh 3 nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Gia Định đã ký kết “Biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp”.

Trong đó, liên doanh 3 nhà đầu tư nói trên sẽ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Tháp - mô hình điểm của đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời hỗ trợ tỉnh trong việc xác định tổng vốn đầu tư dựa trên quy hoạch phát triển hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng tại Đồng Tháp. Cuối cùng, 3 đơn vị này sẽ xúc tiến đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án phát triển hạ tầng, đô thị, logistics trong nội dung hợp tác giữa các bên.

Tham dự và lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước chỉ ra những điểm mạnh yếu của ngành hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ thảo luận, có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau - củ - quả Việt Nam xứng với tiềm năng. Trong đó các địa phương cần sản xuất phải theo tín hiệu, nhu cầu thị trường và chìa khóa của sự thành công đó chính là chất lượng và giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là việc làm cần thiết để ngành hàng rau - củ - quả phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các ngành hữu quan, địa phương cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau - củ - quả nói riêng và nông sản nói chung nhằm hạ giá thành sản xuất.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn