Mua sắm trực tuyến tạo sự thuận tiện cho các “thượng đế”

Cập nhật ngày: 28/12/2017 06:37:45

ĐTO - Trong thời buổi công nghệ phát triển, người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong việc mua sắm hàng hóa, thông qua phương thức mua sắm trực tuyến.


Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa trực tuyến

Nhiều sự chọn lựa trong mua sắm

So với việc mua sắm truyền thống thì mua hàng trực tuyến có những ưu điểm nổi trội. Khi kinh doanh trực tuyến, các cửa hàng sẽ giảm được chi phí thuê, mướn mặt bằng; nhân công; chi phí marketing nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng giá sẽ mềm hơn. Riêng các “thượng đế” có thể ngồi tại nhà, thao tác trên thiết bị điện thoại thông minh, máy tính qua các trang mua sắm trực tuyến là đã có thể chọn lựa cho mình sản phẩm ưng ý, giá phù hợp từ dụng cụ bếp núc đến cả ô tô. Hiện tại, các trang mua sắm trực tuyến uy tín được người tiêu dùng “chọn mặt gửi vàng” có thể kể đến là Lazada, Sendo, Adayroi, Tiki, Yes24...

Khi thị trường thương mại điện tử ngày càng sôi động thì các đơn vị chủ quản các trang mua sắm trực tuyến sẽ hoạch định cho mình những chiến lược để thu hút khách hàng. Nhiều đơn vị tìm hiểu khá kỹ thói quen tiêu dùng của người Việt để cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp. Đơn cử như người tiêu dùng và người bán có thể trao đổi trực tiếp với nhau; được kiểm tra sản phẩm trước khi thành toán, giao hàng miễn phí (có điều kiện kèm theo)... Ngoài ra, nhiều trang thương mại điện tử tiếp tục cải thiện giao diện website, chấm dứt hợp tác với các đơn vị cung cấp hàng kém chất lượng nhằm tạo uy tín với khách hàng.

Để tạo doanh thu, kích thích người tiêu dùng “mở hầu bao”, các trang thương mại điện tử thu hút người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi. Nhiều sản phẩm trong các sự kiện lớn như: Quốc tế phụ nữ - 8/3, Black Friday, Giáng sinh, Tết... được sale chạm đáy từ 50-75%. Em Nguyễn Anh Minh ở xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc cho hay: “Những sự kiện lễ, Tết là dịp để người tiêu dùng có thể sở hữu những sản phẩm ưng ý, giá “mềm” từ chương trình giảm giá của các trang mua sắm trực tuyến. Để mua được hàng trong dịp này, người mua nên chọn sản phẩm bỏ vào giỏ hàng ngay rồi chờ khi chương trình khuyến mãi được áp dụng sẽ tiến hành thanh toán đơn hàng”.

Ngoài các trang thương mại điện tử thì các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook cũng là trợ thủ đắc lực trong việc mua bán hàng thời công nghệ số. Đặc biệt, khi các tiểu thương tận dụng tính năng live stream của Facebook giúp khách hàng nhận diện sản phẩm rõ nét, việc mua bán trực tuyến cũng trở nên nhộn nhịp hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh theo từng năm. Dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt con số 10 tỷ USD đến năm 2020. Nhận thấy đây là “mảnh đất” còn giàu tiềm năng, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực kinh tế đã mạnh dạn tham gia vào “sân chơi” thương mại điện tử, các trang Sendo, Adayroi, Shopee... cũng lần lượt ra đời.

Chọn lựa các trang thương mại điện tử uy tín

Dù sở hữu nhiều mặt ưu việt nhưng không phải lúc nào việc mua bán trực tuyến cũng diễn ra suôn sẻ. Có lúc người tiêu dùng phải rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” với sản phẩm đặt mua không giống với thông tin ban đầu, kém chất lượng, khiến niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút. Ngoài ra, người tiêu dùng từng chịu cảnh hàng hóa và tiền “một đi không trở lại” khi các trang mua bán trực tuyến, Facebook bắt buộc chuyển khoản trước khi nhận hàng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga ở xã Hòa An, TP.Cao Lãnh cho biết: “Hình thức mua sắm hàng qua mạng góp thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số mặt hàng lại không thuận tiện để mua sắm theo hình thức này, đơn cử như quần áo. Vì vậy, tôi hạn chế mua các sản phẩm mang tiêu chí cá nhân quá lớn để tránh thất thoát trong chi tiêu bởi hàng hóa chưa hài lòng”.

Theo ông Hà Bửu Khánh - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, thời gian qua, ngành công thương đẩy mạnh công tác quản lý với Nghị định 52 về thương mại điện tử và Thông tư 47 quy định về quản lý website thương mại điện tử. Mọi thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng; website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thông báo với Bộ Công Thương. Việc làm này là phương thức để cơ quan quản lý Nhà nước chuẩn hóa các thông tin, điều kiện, điều khoản giữa người bán và mua trên môi trường mạng nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến. Đồng thời, Sở Công Thương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những quy định và hướng dẫn các bước tiến hành đăng ký với cơ quan quản lý về thương mại điện tử, cụ thể là Bộ Công Thương.

Giúp các “thượng đế” mua sắm an toàn, ông Hà Bửu Khánh khuyến cáo người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến cần chọn những trang web uy tín, có đăng ký thông báo với Bộ Công Thương. Ngoài ra, người tiêu dùng cần hiểu rõ về hàng hóa, dịch vụ, các điều kiện và điều khoản. Đồng thời, đọc kỹ thông tin về giá gốc, giá kèm VAT, giá có thuế, giá có bảo hành, giá vận chuyển... Theo đó, người tiêu dùng nên lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp để có thể kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi thanh toán nhằm tránh trường hợp lừa đảo hoặc nhận hàng kém chất lượng. Đồng thời cần giữ lại hóa đơn sau khi mua hàng, bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh khi xảy ra sự cố.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn