Đẩy mạnh công tác tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực của tỉnh
Cập nhật ngày: 31/07/2022 05:39:37
ĐTO - Thời gian qua, công tác tạo lập và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực, đặc thù của tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu. Đây còn được xem là công cụ cần thiết, quan trọng để khẳng định chất lượng, uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng tỉnh nhà...
Các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn
Đòn bẩy cho nông sản chủ lực, đặc thù
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đặc thù mang địa danh của tỉnh được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, có 25 nông sản chủ lực, đặc thù được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Ngoài ra, một số địa phương và chủ sở hữu quan tâm triển khai công tác quản lý, phát triển các nhãn hiệu. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện các công cụ, mô hình để tạo cơ sở cho hoạt động quản trị các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đạt được hiệu quả.
Hướng đến sự phát triển bền vững, công tác quy hoạch vùng sản xuất nông sản gắn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được các địa phương quan tâm xây dựng. Đối với quy hoạch vùng sản xuất sen, huyện Tháp Mười triển khai thực hiện quy hoạch vùng trồng sen chuyên canh tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười mang tính đồng bộ, hiệu quả; khuyến khích nông dân tham gia thực hiện mô hình lúa - sen luân canh. Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha/năm.
Đối với vùng sản xuất nhãn Châu Thành tập trung là gần 2.740ha tại các xã: An Nhơn, An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu và Tân Nhuận Đông; vùng sản xuất khoai lang tập trung trên 3.300ha tại các xã: Hòa Tân, Phú Long và Tân Phú; vùng rau an toàn là 60ha, tập trung tại xã Tân Bình. Đối với cây quýt hồng, cam soàn, quýt đường chủ yếu được trồng tập trung tại 5 xã của huyện Lai Vung là Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Hòa Long với diện tích canh tác khoảng 1.990ha. Riêng đối với cây quýt hồng, huyện đang tập trung triển khai thực hiện “Đề án bảo tồn vườn quýt hồng huyện Lai Vung giai đoạn 2020 -2024”, phấn đấu đến năm 2024 bảo tồn 546ha quýt hồng...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 28 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó có 7 chuỗi liên quan đến sản phẩm nông sản chủ lực mang nhãn hiệu chứng nhận. Ngoài ra, trên toàn tỉnh còn có 423 mã số vùng trồng được cấp nhằm kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Để tiếp sức cho sự phát triển, thời gian qua, tỉnh còn triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, máy móc, tư vấn, thiết kế bao bì, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường...
Không dừng lại đó, công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại liên quan đến các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương được các chủ sở hữu thực hiện thông qua hoạt động tham gia trưng bày gian hàng tại các hội chợ sự kiện xúc tiến thương mại nông sản trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thông qua các kênh tiêu thụ trực tiếp và trực tuyến như Công ty TNHH Mega Market Việt Nam, Công ty CP thương mại dịch vụ tổng hợp Vincomemerce, BigC, Sài Gòn Co.op, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các sàn thương mại điện tử.
Nhãn hiệu nông sản giúp sản phẩm khẳng định uy tín, cạnh tranh trên thị trường
Thực hiện những giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, hoạt động quản lý và phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đạt được những thuận lợi nhất định, tác động tích cực đến nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Công tác quy định hóa các tiêu chí trong đăng ký, xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể mang địa danh cho nông sản đặc thù của tỉnh được quan tâm thực hiện tốt...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản đặc thù tỉnh Đồng Tháp vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Hiện nay, các địa phương và chủ sở hữu các nhãn hiệu chưa thật sự quan tâm, còn lúng túng trong việc thực hiện quản lý, phát triển nhãn hiệu. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn e ngại trong việc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý làm phát sinh kinh phí, đội giá thành sản xuất.
Mặt khác, đa phần các thương nhân có nhãn hiệu cơ sở riêng, chưa có nhu cầu sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tỉnh. Điều này làm hạn chế việc phát triển các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tỉnh. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng trồng còn khó khăn, người sản xuất có xu hướng chạy theo nhu cầu nhất thời của thị trường. Đáng quan tâm, trên địa bàn tỉnh còn thiếu các tổ chức kinh tế đủ mạnh để đảm bảo khả năng dẫn dắt, hướng dẫn tiếp cận và sử dụng cũng như góp phần thực thi quyền tài sản trí tuệ đối với các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ...
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, để hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các nông sản chủ lực, đặc thù tỉnh Đồng Tháp hiệu quả và đi vào chiều sâu, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, triển khai có hiệu quả 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt là Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, thành lập các hiệp hội, hội nghề nghiệp, hợp tác xã kiểu mới đủ năng lực để phối hợp cơ quan quản lý nhà nước tổ chức quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm hiệu quả. Đồng thời tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu cho mặt hàng chủ lực, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; xây dựng các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, hợp tác xã. Song song đó, tăng cường sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc quản lý và phát triển thương hiệu cộng đồng gắn với Chương trình OCOP...
Y DU