Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 07/03/2024 16:14:37
ĐTO - Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng kịch bản tăng trưởng chung cho toàn ngành năm 2024. Theo đó, quý I, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 7.122 tỷ đồng, tăng 1,61% (tương ứng giá trị sản xuất đạt 15.978 tỷ đồng); quý II, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 2.738 tỷ đồng, tăng 5,78% (tương ứng giá trị sản xuất đạt 6.539 tỷ đồng). Trong quý III, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 7.158 tỷ đồng, tăng 0,95% (tương ứng giá rị sản xuất đạt 16.821 tỷ đồng); quý IV giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt 5.135 tỷ đồng, tăng 10,86% (tương ứng giá trị sản xuất đạt 11.778 tỷ đồng).
Chế biến cá tra là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh (Ảnh: Y Du)
Trên tinh thần đó, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đơn vị lấy ý kiến các sở, ngành liên quan về Kế hoạch thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp. Với chỉ tiêu cấp mã số vùng trồng năm 2024 là 58.202ha, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương bám sát vào kế hoạch của UBND tỉnh đã phân bổ. Đồng thời xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ tiêu năm 2024 theo từng quý và có giải pháp khắc phục trong thời gian tiếp theo.
Để phục vụ cho Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024, đơn vị phối hợp địa phương rà soát thống kê diện tích xuống giống sen trên địa bàn tỉnh phục vụ lễ hội. Dự kiến, diện tích xuống giống khoảng 143ha tại các huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông. Mặt khác phối hợp với các ngành đề xuất các hoạt động đưa vào Kế hoạch tổ chức Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II.
Đối với ngành hàng xoài, ngành nông nghiệp phấn đấu phát triển diện tích canh tác xoài năm 2024 đạt 14.989ha, sản lượng đạt 176.738 tấn. Duy trì và sản xuất mới 173ha diện tích chuyển đổi xoài theo hướng hữu cơ, xoài hữu cơ; phấn đấu cấp mới 4.309ha mã số vùng trồng gắn truy xuất nguồn gốc.
Cá tra là ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống cá tra (trong đó có 18 cơ sở sử dụng đàn cá tra cải thiện di truyền để cho sinh sản), 1.004 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Trong năm qua, sản xuất được 1.225,89 triệu con giống cá tra (cá tra chất lượng cao là 500 triệu con), tăng 135% so với cùng kỳ và đạt 94,3% kế hoạch năm 2023. Về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, toàn tỉnh có 56 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống, trong đó có 33 cơ sở sản xuất giống cá tra và 23 cơ sở ương giống cá tra. Phấn đấu năm 2024 sẽ kết nối thêm 30 - 40 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống có quy mô lớn (được cấp Giấy đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) tham gia chuỗi liên kết đã được hình thành, cung cấp 550 triệu con giống chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm, tăng 50 triệu con so với năm 2023 và có 20 cơ sở sinh sản cá tra bột sử dụng đàn cá cải thiện di truyền. Mặt khác tiếp tục liên hệ, đề nghị Viện Nuôi trồng thủy sản 2 cung cấp đàn các tra hậu bị cải thiện di truyền tăng trưởng và kháng bệnh cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị tổ chức thực hiện Lễ hội Cá tra lần thứ 2.
Mang bên mình tiềm năng lớn, thời gian qua, ngành hàng hoa kiểng phát triển mạnh. Để tiếp tục phát huy ngành hàng này, ngành nông nghiệp định hướng nhập khẩu giống hoa nghệ Siam Curcuma từ Hà Lan, chuyển giao quy trình nhân giống, khảo nghiệm, mô hình trình diễn giống. Trong thời gian tới sẽ phối hợp với đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ nhập khẩu giống cây trồng (hoa cúc, khoai lang, khóm vị đào) từ Nhật Bản nhằm chuyển giao quy trình nhân giống, khảo nghiệm, mô hình trình diễn giống mới. Đồng thời, đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2024 - 2025 về chọn lọc, lai tạo một số giống hoa kiểng mới phục vụ phát triển ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp; nghiên cứu quy trình canh tác cây hoa hồng hữu cơ, chế biến một số sản phẩm từ hoa hồng, tăng giá trị chuỗi sản phẩm hoa hồng tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; Dự án sản xuất thử nghiệm: nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm khoai môn tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và mô hình sản xuất khoai lang tím đạt chất lượng phục vụ xuất khẩu tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; nghiên cứu quy trình nhân giống in-vitro một số giống sen tại tỉnh Đồng Tháp...
Trong công tác quản lý, phát triển rừng bền vững, phối hợp đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trồng 450 ngàn cây phân tán trên địa bàn tỉnh năm 2024. Bên cạnh đó, đơn vị còn tập trung các nhiệm vụ trọng tâm về đào tạo nghề lao động nông nghiệp; bảo tồn làng nghề, phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện nhiệm vụ đầu tư hoàn thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn và chuyển đổi số...
Y DU